Nghiên cứu ứng dụng biện pháp tổng hợp phòng trừ bọ dừa (Brontispa longissima) cho cây dừa vùng Duyên hải Nam Trung bộ
Cập nhật vào: Thứ tư - 25/09/2019 11:30 Cỡ chữ
Diện tích dừa vùng Duyên hải Nam Trung bộ khoảng 30.000 ha, chiếm 30% diện tích dừa cả nước, tập trung tại ba tỉnh: Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Cây dừa đã trở thành loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân. Nhưng từ năm 1999 đến nay, cây dừa trên cả nước nói chung và cây dừa ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ nói riêng đã và đang đứng trước nạn dịch nguy hiểm, đó là bọ cánh cứng hại dừa (Brontispa longissima Gestro).
Năm 2002, Viện Nghiên cứu Dầu và cây có Dầu đã triển khai đề tài Nghiên cứu phòng trừ bọ dừa bằng biện pháp sinh học, nhân nuôi ong ký sinh Asecodes hispinarum và phóng thích tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải Nam Trung bộ. Sau 4 tháng phóng thích, tỷ lệ số cây có ong ký sinh/tổng số cây phục hồi trung bình 71, 8 %, ở các vườn dừa vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, biện pháp phòng trừ bọ dừa bằng ong ký sinh không thực sự hiệu quả tại khu vực các vườn dừa vùng Duyên hải Nam Trung bộ do nhiều nguyên nhân, trong đó có: ong ký sinh Asecodes hispinarum phát triển kém trong điều kiện khí hậu khô hạn ở Duyên hải Nam Trung bộ nơi mùa khô thường kéo dài 7-8 tháng trong năm, vùng đất cát nghèo dinh dưỡng, nông dân không thường xuyên bón phân cho dừa, cây sinh trưởng kém càng tạo điều kiện cho bọ dừa phát triển mạnh.
Theo số liệu điều tra của đề tài "Nghiên cứu ảnh hưởng của phân hữu cơ sản xuất từ mụn xơ dừa đến quá trình sinh trưởng, phát triển và hiệu quả kinh tế vườn dừa vùng đất cát Duyên hải Nam Trung Bộ" năm 2011, tại Bình Định, khoảng 97, 8% vườn dừa bị bọ dừa phá hoại, trong đó 71,1% ở mức độ nặng (81-100%). Tại Phú Yên, khoảng 96, 7% vườn dừa bị bọ dừa phá hoại, mức độ trung bình (21-40%). Tại Khánh Hòa, khoảng 82,5% các vườn dừa bị bọ dừa phá hoại, trong đó 40,8% vườn dừa bị bọ dừa gây hại ở mức độ nghiêm trọng. Thực trạng này góp phần làm mất đi vẻ đẹp vốn có của các thành phố du lịch thuộc miền Trung nước ta. Hiệu quả của biện pháp phòng trừ bằng thuốc trừ sâu hóa học chỉ là tạm thời. Mặt khác, thuốc hóa học gây nhiều tác hại, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu biện pháp thay thế nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là phát triển thêm các loại thiên địch khác của bọ dừa trong tự nhiên cũng như các biện pháp phòng trừ dịch hại bằng phương pháp tổng hợp (IPM) là yêu cầu cấp thiết ở những vùng trồng dừa Duyên hải Nam Trung bộ. Áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp làm gia tăng thiên địch trong vườn dừa, hạn chế sự phát triển của bọ dừa, giúp cây phát triển tốt, dẫn đến năng suất tăng ở các vườn dừa vùng DHNTB.
Xuất phát từ thực tế trên, KS. Lưu Quốc Thắng, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu cùng các đồng nghiệp đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng biện pháp tổng hợp phòng trừ bọ dừa (Brontispa longissima) cho cây dừa vùng Duyên hải Nam Trung bộ”.
Sau một thời gian thực hiện, đề tài đã thu được một số kết quả đáng chú ý như sau:
Nội dung1: Điều tra mức độ gây hại của bọ dừa, một số thiên địch của bọ dừa tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
- Các loại dịch hại phổ biến trong vườn dừa DHNTB bao gồm: bọ dừa (Brontispa longissima), kiến vương (Oryctes rhinoceros), đuông (Rhynchophorus ferrugineus). , bọ vòi voi (Diocalandra frumenti), chuột, trong đó phổ biến là bọ dừa, chuột và kiến vương.
- Các thiện địch phổ biến trong vườn dừa là: kiến, bọ đuôi kìm (Chelisoches morio, Chelisoches variegatus)
- Mức độ gây hại của kiến vương khá phổ biến tỷ lệ hại từ 1-25% chiếm 31, 0% và mức độ hại 26-50% chiếm 40,2%.
- Mức độ gây hại bọ dừa tỉnh Phú Yên tỷ lệ hại 76-100% chiếm tỷ lệ cao 84,2%, tỉnh Khánh Hòa tỷ lệ hại 26-50% đạt 25%, tỉnh Bình Định tỷ lệ hại 51-75% chiếm tỷ lệ cao 21,7%.
- Phương pháp phòng trừ bọ dừa chủ yếu là phương pháp hóa học chiếm từ 20-61,7 % phòng trừ sinh học đạt 7,9%.
- Chỉ có 14% cây dừa ở DHNTB là không bị chuột phá hại, 33,1 % ở mức độ 1-25% và 43,1% ở mức độ cao (26-%50%).
Nội dung 2: nghiên cứu biện pháp sinh học phòng trừ bọ dừa vùng Duyên hải Nam Trung bộ (bọ đuôi kìm, ong ký sinh).
- Nghiệm thức thả bọ đuôi kìm với giống dừa Ta năng suất đạt 40,8 quả/cây/năm, tăng gấp 1, 2 lần so với đối chứng, tỷ lệ lợi nhuận biên đạt 1,4. Giống dừa Xiêm năng suất đạt 70,2-77,6 quả/cây/năm, tăng gấp 1,3-1,9 lần so với đối, chứng tỷ lệ lợi nhuận biên đạt 5,04-5,66.
- Nghiệm thức thả ong ký sinhvới giống dừa Dâu năng suất đạt 50,4 quả/cây/năm, tăng gấp 1,9 lần so với đối chứng, tỷ lệ lợi nhuận biên đạt 6,98. Giống dừa Xiêm năng suất đạt 53,3-72,9 quả/cây/năm, tăng gấp 1,3-2,7 lần so với đối chứng, tỷ lệ lợi nhuận biên đạt 4,08-11,45.
- Nghiệm thức thả bọ đuôi kìm và ong ký sinh,với giống dừa Ta năng suất đạt 40,3 quả/cây/năm, tăng gấp 1,5 lần so với đối chứng, tỷ lệ lợi nhuận biên đạt 2,06. Giống dừa Xiêm năng suất đạt 43,2-68,3 quả/cây/năm, tăng gấp 1,4-1,6 lần so với đối chứng, tỷ 144 lệ lợi nhuận biên đạt 1,6-1,9.
Nội dung 3: Nghiên cứu biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học phòng trừ bọ dừa vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
- Các loại thuốc Vimatox (Emamectin Benzoate.), Vimatrine (oxymatrine) và Visober (Abamectin + Petroleum ) đều có tác dụng phòng trừ bọ dừa. Thuốc Visober có tác tốt hơn thuốc vimatox và thuốc Vimatrine.
- Ấu trùng bọ dừa ở các nghiệm thức đối chứng gấp 25, 8 đến 30,0 lần so với nghiệm thức xử lý và bọ dừa ở các nghiệm thức đối chứng gấp 28,6 đến 40,3 lần so với nghiệm thức xử lý sau 21 ngày.
- Hiệu lực của thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học đối với ấu trùng đạt 78,4-96,7% đối với bọ dừa đạt 88,9-97,2% sau 21 ngày xử lý.
Nội dung 4: Nghiên cứu biện pháp nhân nuôi thiên địch của bọ dừa (bọ đuôi kìm, ong ký sinh).
- Có được qui trình nhân nuôi bọ đuôi kìm (Chelisoches variegatus). Số trứng/ổ: 71,8 trứng/ổ, số ấu trùng/ổ: 53,4 ấu trùng. Hệ số nhân bọ đuôi kìm: 13,9-22,4 lần tùy theo điều kiện nhân nuôi sau 2 tháng.
- Có được qui trình nhân nuôi ong ký sinh Tetrastichus brontispae. Thời gian phát triển cùa ong trong mummy 17,1 ngày, tỷ lệ vũ hóa đạt 96,2%. Ong ký sinh bọ dừa chủ yếu ở giai đoạn tiền nhộng đến nhộng 3 ngày tuổi.
Nội dung 5: Xây dựng mô hình tổng hợp phòng trừ bọ dừa vùng DHNTB.
- Mô hình phòng trừ bọ dừa bằng bọ đuôi kìm Chelisoches variegatus với giống dừa Ta có số lá bị hại giảm 10,8 lần, năng suất tăng 1,2 lần đạt 54,8 quả/cây/năm, tỷ lệ lợi nhuận biên đạt 4,0
- Mô hình phòng trừ bọ dừa bằng ong ký sinh Tetrastichus brontispae với giống dừa Xiêm có số lá bị hại giảm 31,4 lần, năng suất tăng 2,3 lần đạt 58,6 quả/cây/năm, tỷ lệ lợi nhuận biên đạt 4,34.
- Mô hình phòng trừ bọ dừa bằng bọ đuôi kìm Chelisoches variegatus và ong ký sinh Tetrastichus brontispae với giống dừa Xiêm có số lá bị hại giảm 7,3 lần, năng suất tăng 2,1 lần đạt 55,1 quả/cây/năm, tỷ lệ lợi nhuận biên đạt 4,54.
- Mô hình phòng trừ bọ dừa bằng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học với giống dừa Xiêm có số lá bị hại giảm 11 lần, năng suất tăng 2,2 lần đạt 63,9 quả/cây/năm, tỷ lệ lợi nhuận biên đạt 6,14.
Nội dung 6: Hội thảo đầu bờ đánh giá biện pháp sinh học phòng trừ bọ dừa vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
- Tỷ lệ người ủng hộ biện pháp tổng hợp phòng trừ bọ dừa (Brontispalongissima) cho cây dừa: 100%
- Tại tỉnh Khánh Hòa, tỷ lệ người ủng hộ biện pháp phòng trừ bọ dừa bằng bọ đuôi kìm (Chelisoches variegatus) đạt cao nhất: 92,5%
- Tại tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên, tỷ lệ người ủng hộ biện pháp phòng trừ bọ dừa bằng ong ký sinh (Tetrastichus brontispae) và bọ đuôi kìm (Chelisoches variegatus) đạt cao nhất: 94,5-94,8%.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15063/2018) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
P.K.L (NASATI)