Phương pháp xử lý sầu riêng ra bông nghịch vụ
Cập nhật vào: Thứ hai - 24/06/2019 16:22 Cỡ chữ
Tới mùa xử lý ra bông nghịch vụ cây sầu riêng, anh Bảy Hiền ở Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long hướng dẫn kỹ thuật xử lý sầu riêng ra bông nghịch vụ tận vườn, hoặc từ xa qua điện thoại cho nông dân từng bước một như canh đọt, tưới nước, vô phân… đúng từng thời điểm. Anh còn áp dụng kỹ thuật mới giúp nông dân không cần đi thụ phấn bằng tay mỗi đêm lúc bông trổ.
Suốt nhiều năm qua, anh Hiền đi khắp nơi giúp người trồng sầu riêng cách xử lý ra bông nghịch vụ, hầu hết những vườn anh hướng dẫn đều ra bông thành công rất cao. Bất cứ ai anh cũng giúp, giúp bằng tấm lòng chứ không nhận tiền công.
Mùa nghịch, giá trái sầu riêng thường cao gấp 3 lần. Tuy nhiên, để cây sầu riêng trổ bông và đậu trái mùa nghịch rất khó khăn, không phải người trồng nào cũng điều khiển thành công. Là người trồng sầu riêng và thất bại liên tiếp, trắng tay với cây sầu riêng nhưng anh Hiền không bỏ cuộc... Anh kể, dành dụm tiền chuyển đổi trồng sầu riêng, chăm sóc chờ cây cho trái, nhưng không hiểu sao suốt 3 năm liên tiếp, vườn sầu riêng của anh thất mùa, cây không ra bông, trái không đạt... Từ đó, anh và chiếc xe đạp cũ rong ruổi khắp nơi, nghe chỗ nào có trồng sầu riêng là anh hỏi thăm đi tới xin vào tham quan, học hỏi.
Anh về bắt đầu lại với cây sầu riêng và thành công, tất cả các kinh nghiệm học tập được anh ghi nhớ, bổ sung cho phù hợp từng vùng đất và biến nó thành một quy trình kỹ thuật. Trong kỹ thuật của anh Hiền, khi xử lý chính là cách nuôi dưỡng cây chứ không “ép” cây ra bông bằng mọi giá để sau vụ trái cây suy kiệt. “Hai lúa” thứ thiệt nhưng anh Hiền rất chú trọng sinh học, hữu cơ. Anh lặn lội lên thành phố tìm công ty chuyên cung cấp phân hữu cơ chất lượng giúp nông dân. Anh Hiền cho biết, trồng cây sầu riêng rất khó, không nên lạm dụng phân thuốc hóa học, trong xử lý ra bông cũng vậy, quá nhiều thuốc hóa học, cưỡng bức cây ra bông... nhưng sau đó là hậu quả nặng nề, cây suy kiệt nặng, cháy rễ, khô cành, mất sức kháng nên dễ bị bệnh tấn công, cây chết dần. Nhiều vườn sầu riêng hơn 10 năm tuổi, chỉ vì nôn nóng xử lý ra bông mà nông dân lạm dụng chất hóa học, phân hóa học quá mức, sau vụ trái vườn xuống cấp và chết dần không thể cứu chữa.
Để chuẩn bị xử lý nghịch vụ cho cây sầu riêng, đầu tiên anh Hiền tới xem vườn, kiểm tra cây, hướng dẫn nông dân cách chăm sóc đất, bồi bổ đất đúng đặc tính cây sầu riêng, chăm sóc rễ khỏe. Khi thấy cây khỏe mạnh, đạt yêu cầu thì anh mới cho xử lý ra bông. Hầu hết những vườn được anh xử lý đều ra bông 80 - 90%, ngay cả khi thời tiết bất lợi. Anh Hiền hay chọn thời điểm xử lý vào tháng 7 - 8 âm lịch, dù đây là thời điểm mưa nhiều, khó xử lý, nhưng là “thời điểm vàng” để bán trái giá cao nhất trong năm. Nông dân đồng bằng sông Cửu Long canh lúc bông trổ phải đi quét hạt phấn và thụ phấn cho bông vào chiều tối, tuy nhiên theo cách xử lý mới của anh Hiền thì không cần đi thụ phấn nhưng tỷ lệ đậu trái vẫn rất cao.
Nhiều năm qua, cái tên Bảy Hiền trở nên gần gũi với nông dân trồng sầu riêng ở Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long... và hầu hết vườn anh hướng dẫn đều ra nhiều bông, trái đẹp, cây không bị suy kiệt sau thu hoạch.
Nông dân quý anh Bảy Hiền ở chỗ không ngại xa xôi, ai kêu anh cũng tới. Giúp mà không hề nhận tiền công và xem đó là một niềm vui khi thấy cây sầu riêng trổ bông và nông dân được mùa. Bởi đó là tâm nguyện của anh, anh hiểu sự thất bại của việc trồng sầu riêng với nông dân mà chính anh đã trải qua. Thêm cái đặc biệt của Bảy Hiền nữa là không giấu nghề, anh truyền kinh nghiệm này cho nhiều bạn bè, anh em và họ lập thành đội sẵn sàng hỗ trợ nông dân lúc cần.
Đi thăm vườn sầu riêng trái oằn sai, Bảy Hiền cười vui và nhất quyết không chịu nhận quà chủ vườn, anh nói bằng chất giọng hiền như chính cái tên của anh: “Làm tốt thì chỉ cho người khác làm theo coi như trả công tui rồi đó”.
KHPTO