Quản lý sức khỏe đất nông nghiệp: Cần có hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất'
Cập nhật vào: Thứ sáu - 23/08/2024 00:06 Cỡ chữ
Tại hội thảo "Hiện trạng và định hướng quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây, các nhà khoa học có liên quan đến khoa học đất đã nêu ý kiến cần triển khai trên toàn quốc hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất' với đội ngũ kỹ sư nông hóa thổ nhưỡng giỏi (bác sỹ đất giỏi) và các phòng phân tích đất hiện đại để kiểm tra sức khỏe đất nông nghiệp, chung tay bảo vệ sức khỏe đất trồng trọt của Việt Nam. Có như vậy nông dân mới có chỗ để kiểm tra được sức khỏe đất nông nghiệp và biết được đất của mình đang canh tác có gì cần lưu ý?
Các 'bệnh viện sức khỏe đất' sẽ giúp nông dân phân tích và biết được đất sản xuất của mình cần lưu ý những gì
Đất trồng trọt của Việt Nam đã và đang xuất hiện yếu tố “dinh dưỡng giới hạn thừa”, yếu tố này có sức ảnh hưởng tới sức khỏe đất còn lớn hơn cả yếu tố "dinh dưỡng thiếu" trong đất. Hơn nữa, việc phụ thuộc và lạm dụng phân bón hóa học trong thời gian dài khiến đất kém đa dạng sinh học, bị thoái hóa ngày càng nghiêm trọng. Đây là những vấn đề đang gây bế tắc đối với nông dân Việt Nam.
Hiện có 3 vấn đề thường xuyên ảnh hưởng tới sức khỏe đất cần có các giải pháp để khắc phục ngay đó là:
1) Trên đất dốc khu vực Tây Nguyên thường bị khô hạn nặng về cuối mùa khô, bà con nông dân không đủ nước tưới nên việc cần làm là triển khai nhiều đập thủy lợi tại các thung lũng để tích nước phục vụ tưới cho cuối mùa khô, đồng thời duy trì thảm thức vật. Có như vậy mới bảo vệ được quần thể vi sinh vật đất (thành phần làm tăng sức khỏe đất).
2) Tại ĐBSCL, diện tích đất bị nhiễm mặn và ảnh hưởng của nước mặn vào cuối mùa khô tăng cao. Nước mặn xâm thực > 70km đã anh hưởng tới sức khỏe đất rất lớn. Vì vậy, Bộ NN-PTNT cần sớm có giải pháp đào hồ chứa nước ven sông Tiền và sông Hậu (phía trên thượng nguồn) để trữ nước chống hiện tượng hạn mặn. Tháo bỏ các hệ thống ngăn lũ cục bộ để đón nhận phù sa và thủy sản của sông Mê Kông.
3) Hiện đang tồn tại vấn đề canh tác chưa cân đối giữa phân hóa học (vô cơ) và hữu cơ cho nên rất cần khuyên cáo và có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân sản xuất phân hữu cơ. Hiên tại, ngành nông nghiệp đang có 15 triệu tấn phế phụ phẩm/năm. Nếu tiến hành ủ phân với công nghệ cao (nâng cao chất lượng) và sản xuất than sinh học (Biochar) thì góp phần rất lớn để tăng sức khỏe đất.
Sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu sử dụng phân bón hóa học lâu năm khiến đất kém đa dạng sinh học, bị thoái hóa ngày càng nghiêm trọng, cây trồng kém phát triển và phát sinh nhiều sâu bệnh. Việc lạm dụng hóa học đã làm cho sản xuất nông nghiệp nước ta kém bền vững, hiệu quả kinh tế thấp, nhất là đất đai ngày càng thoái hóa, cạn kiệt dinh dưỡng. Cách khắc phục hiện nay không có con đường nào khác là phải thay đổi tập quán và nhận thức trong sản suất nông nghiệp, không lạm dụng hóa học, canh tác theo hướng hữu cơ là chính (trong sản xuất vẫn có bón phân hóa học nhưng không lạm dụng). Tuy nhiên, nếu trong đất có nhiều xác bã động thực vật mà không có đủ lượng vi sinh vật với sự hoạt động phong phú và đa dạng của chúng thì đất cũng không thể nào phân giải được xác bã động thực vật để tạo ra hợp chất hữu cơ (phân hữu cơ) tạo độ phì cho đất, cung cấp thức ăn cho quần thể vi sinh vật trong đất và chất dinh dưỡng cho cây trồng để phát triển tốt. Nhiều loài vi sinh vật còn là lực lượng bảo vệ cây trồng tránh những điều kiện bất thuận và sâu bệnh hại. Vì vậy khi nói đến hữu cơ là phải nói đến làm sao để bảo vệ được sự hoạt động và đa dạng sinh học vi sinh vật trong đất.
Có thể nói vi sinh vật có vai trò rất quan trọng nhằm bảo vệ độ phì của đất và quản lý dịch hại cây trồng bởi “Đất khỏe - Cây trồng khỏe - Môi trường khỏe và Con người khỏe”.
P.T.T tổng hợp