Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Quảng Ninh
Cập nhật vào: Thứ hai - 26/08/2024 13:06 Cỡ chữ
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang mở ra những hướng phát triển kinh tế bền vững cho các doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh. Những chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư của tỉnh đã giúp nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn xây dựng và áp dụng các công nghệ tiên tiến, tạo ra những hiệu quả đáng kể trong nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng CBCNV tại khu vực sản xuất tôm giống của Công ty TNHH Thủy sản Việt Úc - Quảng Ninh
Quảng Ninh đang đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản, giúp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp và hướng đến sản xuất bền vững.
Một ví dụ điển hình là dự án sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính của Công ty TNHH Thủy sản Việt Úc - Quảng Ninh tại huyện Đầm Hà. Với diện tích 38,5ha, dự án này bao gồm các nhà sản xuất ương dưỡng ấu trùng, nhà máy xử lý nước tiên tiến, phòng xét nghiệm dịch bệnh và mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà màng. Công ty đã trở thành đơn vị tiên phong tại Quảng Ninh được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh trong lĩnh vực thủy sản, cung cấp hàng tỷ con giống tôm mỗi năm cho thị trường miền Bắc.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện Đầm Hà cũng đã có những mô hình ứng dụng công nghệ cao như HTX Tuyền Hiền với mô hình sản xuất liên kết gà bản. HTX này đã đầu tư hệ thống chuồng lạnh, nhà ấp, chuồng úm và áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, giúp cung cấp hàng trăm nghìn con giống gà bản mỗi năm, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Quảng Ninh cũng đang tích cực hoàn thiện các đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm đề án nuôi trồng thủy sản với quy mô 399,6ha và chăn nuôi bò sữa với quy mô 350ha tại huyện Đầm Hà. Những đề án này, khi được phê duyệt, sẽ tạo nền tảng quan trọng để thu hút nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tập trung và xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Không chỉ tập trung vào thị trường nội địa, các doanh nghiệp tại Quảng Ninh còn đẩy mạnh việc xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Công ty CP SEAGOLD, với hệ thống nhà xưởng hiện đại tại Đầm Hà, đã áp dụng quy trình sản xuất khép kín HACCP và các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, giúp sản phẩm ruột hàu tươi của công ty tiếp cận được với nhiều thị trường nước ngoài như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Châu Âu.
Ngoài ra, mô hình trồng chanh leo hữu cơ của HTX Nông nghiệp tổng hợp Trường Giang cũng đã cho kết quả tích cực, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu sang Châu Âu, nhờ việc tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ và đảm bảo an toàn thực phẩm trong nông nghiệp.
Quảng Ninh đang đặt mục tiêu phát triển nhiều khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh, đồng thời thúc đẩy kết nối, kêu gọi đầu tư và triển khai các giải pháp nhằm tận dụng tối đa tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Những nỗ lực này không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản mà còn tạo cơ hội xuất khẩu, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế địa phương.
Đ.T.V (tổng hợp)