Ứng dụng KH&CN trong cơ giới hóa và chế biến nông nghiệp:
Cập nhật vào: Thứ hai - 02/03/2020 22:14 Cỡ chữ
Dù có nhiều điểm sáng trong ứng dụng KH&CN trong chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp, nhưng để tiếp tục phát triển toàn diện, ở quy mô rộng hơn thì không thể chỉ “khu trú” trong một số doanh nghiệp lớn.
Lộc trời là một trong các doanh nghiệp áp dụng nhiều tiến bộ KHCN và liên kết tốt với người nông dân. Ảnh: Các kỹ sư của tập đoàn Lộc Trời. Nguồn: QĐND
Vì thế bài toán đặt ra là sự đồng bộ giữa các doanh nghiệp với mối liên kết nông dân, giữa nhu cầu máy móc nông nghiệp và khả năng đáp ứng của ngành cơ khí, cũng như nguồn nhân lực đủ khả năng “thẩm thấu” công nghệ.
Đó là một số nội dung được đề cập trong hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp” ngày 21/2/2020.
Một ngưỡng mới
Công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, xuất khẩu nhiều ngành hàng thuộc top đầu thế giới, nhưng bước vào một giai đoạn mới, đòi hỏi chế biến sâu nâng cao giá trị sản phẩm - lọt top 10 thế giới về chế biến, sẽ cần những chính sách đột phá và tập trung như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị. “Chúng ta đã có nhiều chính sách [cho lĩnh vực cơ giới hóa và chế biến] nhưng chưa tập trung, lần này phải có chính sách được coi là ‘cú đấm thép’ của Nhà nước để làm tốt khâu cơ giới hóa và chế biến nông sản”, Thủ tướng nói.
Nhìn vào thành tích của ngành nông nghiệp những năm gần đây, lãnh đạo các Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN và Bộ Công thương đều có cái nhìn thống nhất về “những bước phát triển đáng kể” của công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Tuy vậy, dư địa cho phát triển nông nghiệp theo chiều rộng như cách làm của chục năm trước đây không còn nhiều, như báo cáo của OECD vào năm 2015 đã nhận định Việt Nam khó lòng mở rộng diện tích đất canh tác và năng suất nông nghiệp cũng đang ở mức cao so với các nước châu Á, Việt Nam phải lấy trụ cột chính cho kế hoạch Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh ngành chế biến. Vì thế, cơ giới hóa nông nghiệp không thể “bằng lòng” với những kết quả hiện nay như gia tăng về số lượng máy móc đơn giản như máy kéo, máy gặt đập liên hợp, máy sấy nông sản (lần lượt tăng khoảng 48%, 79% và 29% so với năm 2011). Thực tế, mức độ trang bị động lực còn thấp so với các nước trong khu vực, đơn cử là chỉ bằng 40% so với Thái Lan. Về công nghiệp chế biến, báo cáo của Bộ NN&PTNT đã chỉ ra, nhìn chung hệ số đổi mới thiết bị ở mức 7%/ năm (bằng 1/2 - đến 1/3 so với các nước khác), sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là “sơ chế, có giá trị gia tăng thấp (chiếm khoảng 70-85%)”. Đơn cử, một ngành đứng thứ hai thế giới là café vẫn chủ yếu là chế biến thô, tỉ lệ chế biến sâu chiếm khoảng 12%.
Cho nên, để đạt được một ngưỡng mới của ngành nông nghiệp Việt Nam, một câu hỏi lớn mà Thủ tướng đặt ra cho các nhà quản lý và các doanh nghiệp tại hội nghị là phải “làm sao phát huy được tiềm năng của ngành này” cũng như “giảm lãng phí nông sản từ khâu thu hoạch cho tới chế biến, bảo quản”.
Không chỉ là những điển hình
Các doanh nghiệp, vốn lâu nay được đánh giá là đầu tàu dẫn dắt cuộc chuyển đổi này khẳng định quyết tâm đầu tư vào nông nghiệp cũng như khả năng ứng dụng các thành tựu KH&CN mới vào chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) cho rằng nên có cái nhìn khách quan, đúng đắn về tiềm năng, giá trị của ngành vẫn bị coi là nhiều rủi ro này. “Không coi [làm] nông nghiệp là nghèo nàn và thấp kém, đừng đề cao bất cập mà đánh giá thấp ngành nông nghiệp để rồi mất đi động lực đầu tư”, ông Trần Bá Dương nói.
Không chỉ những ông lớn chuyển từ ngành cơ khí chế tạo sang làm nông nghiệp như THACO, có thể thấy trong bức tranh đầu tư cho KH&CN của nhiều doanh nghiệp nông nghiệp có rất nhiều điểm sáng đang “ăn nên làm ra”. Trong báo cáo của Bộ KH&CN tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết, các doanh nghiệp như Masan, Doveco, Nafood, THTruemilk… hoàn toàn đủ khả năng tiếp nhận các công nghệ nước ngoài, cơ giới hóa và chế biến chuyên sâu với nhiều nhà máy quy mô lớn, đáp ứng nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Một số đơn vị như Sao Mai, Vietnamfood, Vĩnh Hoàn… đã trở thành hình mẫu về áp dụng KH&CN để “tận dụng” hiệu quả toàn bộ phụ phẩm nhằm nâng cao giá trị chuỗi nông sản. Ví dụ, không chỉ xuất khẩu “chính phẩm”, Sao Mai còn nâng cao giá trị chế biến cá tra thông qua tinh luyện phụ phẩm từ mỡ cá (trước đây chỉ làm thức ăn gia súc hoặc bỏ đi) thành dầu ăn, shortening và margarine hoàn toàn mới, cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại trên thế giới. Hay VietnamFood đã đổi mới công nghệ sản xuất chitosan từ phụ phẩm tôm - có giá rẻ hơn thị trường lên tới 25-30% và nhờ đó chiếm lĩnh 80-90% thị phần trong nước và 10-20% thị phần thế giới. Các doanh nghiệp cũng chính là những đơn vị thụ hưởng chủ yếu chương chình KH&CN cấp quốc gia liên quan đến chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp (theo báo cáo của Bộ NN&PTNN, tỉ lệ tham gia gần 60% là doanh nghiệp).
Tuy nhiên, có những nghiên cứu ứng dụng, những mô hình điển hình ở trên mới chỉ là điều kiện cần, là cơ sở đầu tiên để bắt đầu thay đổi. Mà những việc làm tiếp theo không chỉ là định hướng để triển khai thêm nhiều nghiên cứu về chế biến, bảo quản theo từng ngành nông nghiệp, mà vấn đề tổng quát hơn là làm sao kéo được một “sức nặng” khác để song hành với “đầu tàu”. Theo Bộ NN&PTNT, đó chính là đại bộ phận người dân vẫn “sản xuất nhỏ lẻ, quy mô manh mún, hạn chế trong cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp” cũng như chậm áp dụng các tiến bộ công nghệ mới trong chế biến. Đây cũng chính là điểm mấu chốt của “đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn”, bởi vì ngay các doanh nghiệp đang sản xuất cũng không thể nào có được vùng sản xuất lớn “tập trung” mà phải thúc đẩy liên kết, chuyển giao tiến bộ KH&CN cho nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu.
Bảo quản vải theo công nghệ CAS (Cells Alive System) để xuất khẩu.
Từ thực tế đầu tư ở nhiều tỉnh như Ninh Bình, Bắc Giang, Gia Lai, ông Đinh Cao Khuê, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) chia sẻ, hiện nay “để doanh nghiệp có được 20.000 ha sản xuất nông nghiệp rất khó”, DOVECO chủ yếu vẫn phải “tập trung vào liên kết với nông dân”. Có những ví dụ điển hình về liên kết với nông dân có thể tạo ra động lực mới cho áp dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, ví dụ như “tập đoàn Lộc Trời làm rất tốt, có hẳn một đội ngũ khuyến nông để ‘ba cùng’ với người nông dân, hướng dẫn nông dân làm theo tiêu chuẩn, giải quyết được vốn (ứng trước cho nông dân phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống), chuyển giao công nghệ và thu mua. Hoạt động khuyến nông của Lộc Trời hăng hái và hiệu quả hơn các trạm khuyến nông đìu hiu của quôc gia rất nhiều lần”, theo đánh giá của các nhà chuyên môn như GS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý NN&PTNT II tại TP.HCM trong một hội nghị khác về nông nghiệp. “Các doanh nghiệp lãnh đạo chuỗi này không cần đầu tư gì lớn, chỉ cần được nhà nước miễn thuế thu nhập trong vòng vài năm” ông nói. Vì vậy kiến nghị của các doanh nghiệp là nhà nước và chính quyền các địa phương nên hỗ trợ cho các doanh nghiệp có liên kết tốt với nông dân (có thể là hình thức hưởng lãi suất ưu đãi nếu có liên kết tốt), vận động người nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa.
Vẫn còn sức ì
Một sức nặng khác mà ngành nông nghiệp phải đối mặt trong tương lai nếu muốn gia tăng tỉ lệ cơ giới hóa, đó là ngành cơ khí nông nghiệp - chưa thực sự trở thành đòn bẩy. Đúng là hiện nay, trong nước có những gương mặt uy tín trong lĩnh vực máy nông nghiệp như Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), doanh nghiệp Bùi Văn Ngọ, Cơ khí Long An... đã hoàn toàn đủ năng lực chế tạo máy nông nghiệp hoặc hệ thống dây chuyền chế biến trong một số lĩnh vực không thua kém các nước tiên tiến. Nhưng đó vẫn là những đơn vị tiến bộ KH&CN mang tính “khu trú” mà chưa đủ khả năng bao phủ phần lớn nhu cầu máy móc của ngành nông nghiệp. Và phần còn lại, như nhận định của ông Đoàn Xuân Hòa, Phó chủ tịch Hội cơ khí nông nghiệp Việt Nam là “rất èo uột, phần lớn các nhà máy cơ khí nông nghiệp Việt Nam không làm cơ khí nông nghiệp, không làm phụ trợ, nên phải nhập khẩu hầu hết các loại phụ kiện”. Báo cáo của Bộ Công thương tại hội nghị cũng chỉ ra đến nay Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 70% số máy móc phục vụ nông nghiệp, phần lớn trong số đó có nguồn gốc Trung Quốc (cụ thể là máy nông nghiệp Việt Nam chiếm khoảng 30% thị phần, 60% nhập khẩu từ Trung Quốc, còn lại từ Nhật Bản và Hàn Quốc). Mặt khác, cơ giới hóa mới chủ yếu phổ biến ở ngành mía, lúa thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vẫn hạn chế ở các cây trồng cạn khác thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên. Để thúc đẩy cơ khí nông nghiệp trong nước, ông Hòa đề nghị, “nên hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp mua máy móc nông nghiệp trong nước bằng cách giảm lãi suất vay. Bù lại cho doanh nghiệp [sử dụng tiền được ưu đãi] để phát triển sản xuất”. Nhưng khi giải quyết được tất cả các yếu tố trên thì vẫn còn một vướng mắc chung mà không chỉ các doanh nghiệp nông nghiệp mà các hiệp hội thủy sản, hiệp hội gỗ đều lên tiếng là thiếu thốn nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực còn yếu. Hiện nay trình độ quản lý và tay nghề chuyên môn phục vụ công nghiệp chế biến thấp, số lượng qua đào tạo chiếm tỉ lệ rất thấp: 55,6% số chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, 75% lực lượng lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị nhà nước tìm giải pháp đào tạo nguồn nhân lực đủ sức đáp ứng được yêu cầu đổi mới công nghệ. Đây cũng là điều mà giới nghiên cứu về nông nghiệp Việt Nam lo lắng nhiều năm qua, như GS.TS Vũ Trọng Khải, đã từng nhắc đi nhắc lại “một trong những vấn đề rất quan trọng là nông nghiệp Việt Nam không có được một tầng lớp ‘nông dân chuyên nghiệp’ được đào tạo qua các trường lớp, khi quay trở về có khả năng điều hành hợp tác xã”, và “để đào tạo ra một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp thì nhà nước phải đầu tư”.
Trước các kiến nghị chủ yếu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị “các địa phương, bộ, ngành lắng nghe để tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển, để đón bắt thời cơ mới, điều kiện mới. Sau Hội nghị này sẽ có chỉ thị để định hướng và chiến lược về phát triển công nghiệp chế biến và cơ khí hóa nông nghiệp”. Thủ tướng lưu ý: tìm phương án để ưu đãi vốn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này; phải chú trọng nghiên cứu, áp dụng các giống mới chịu hạn mặn, chất lượng tốt, áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ cơ khí để nâng cao giá trị và chất lượng nông sản; nghiên cứu giải pháp giảm giá thành vận tải; thứ tư là xây dựng thương hiệu; quy hoạch vùng nguyên liệu; sửa đổi chính sách tích tụ ruộng đất; đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số; thúc đẩy liên kết “năm nhà”... Đây cũng là những bài toán lớn mà ngành KH&CN đang nghiên cứu, thông qua các Chương trình KH&CN quốc gia để tìm lời giải rốt ráo.
NASATI