Hàn gắn lớp ozon giúp làm chậm tình trạng nóng lên toàn cầu
Cập nhật vào: Thứ hai - 16/12/2019 20:32 Cỡ chữ
Lỗ hổng trong tầng ozon vẫn chưa biến mất, nhưng đã dần thu hẹp trong vài thập kỷ qua, chủ yếu nhờ vào Nghị định thư Montreal được thông qua vào năm 1987, giúp loại bỏ việc sử dụng chlorofluorocarbon làm thủng tầng ozon trên thế giới.
Nghiên cứu mới cho thấy Nghị định thư Montreal cũng giúp làm chậm tình trạng nóng lên toàn cầu. Chlorofluorocarbon, một nhóm hóa chất phá hủy tầng ozon, cũng là khí nhà kính.
Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Environmental Research Letters, các nhà khoa học đã tính toán mức độ ấm lên đã được ngăn chặn bằng cách làm chậm quá trình giải phóng CFC vào khí quyển Trái đất. Phân tích cho thấy vào giữa thế kỷ này, Trái đất sẽ mát hơn ít nhất 1 độ C so với khi chưa có Nghị định thư Montreal.
Rishav Gidel, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng: "Về khối lượng, CFC mạnh gấp hàng nghìn lần CO2, do đó, Nghị định thư Montreal không chỉ cứu tầng ozon mà còn giảm đáng kể nóng lên toàn cầu. Đáng chú ý, Nghị định thư đã có tác động lớn hơn nhiều đến nóng lên toàn cầu so với Thỏa thuận Kyoto được thiết kế đặc biệt để giảm khí nhà kính".
Ban đầu, các nhà khoa học không cố gắng đo lường hiệu quả làm mát của Nghị định thư Montreal. Thay vào đó, nhóm nghiên cứu đo lường tác động của thỏa thuận quốc tế và sau đó là mức giảm phát thải CFC đến sự lưu thông khí quyển quanh Nam Cực.
Các mô hình mà họ xây dựng để định lượng động lực khí hậu và hóa học khí quyển khi có và không có Nghị định thư Montreal cho thấy sự khác biệt đáng ngạc nhiên về nhiệt độ trung bình toàn cầu. Cam kết cắt giảm phát thải CFC đã giúp một số nơi tránh tình trạng nóng lên toàn cầu so với những nơi khác. Ví dụ, các mô hình giả định ước tính thận trọng về mức tăng 3% phát thải CFC hàng năm khi không có Nghị định thư, cho thấy Nam Cực sẽ tránh nóng thêm 3 độ C vào giữa thế kỷ này. Nghiên cứu mới nhất cũng cho thấy băng biển Bắc Cực đã ít hơn mức hiện nay nếu không có Nghị định thư Montreal.
Đương nhiên, tiến bộ đạt được nhờ có Nghị định thư Montreal không phải được duy trì mãi mãi. Năm ngoái, các nhà khoa học quan sát thấy lượng khí thải CFC gia tăng ở châu Á. Nguyên nhân được xác định là do tình trạng sản xuất và sử dụng CFC vẫn tiếp diễn tại Trung Quốc và ngành công nghiệp bọt xốp của nước này.
Các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy việc sử dụng nhiều dichloromethane, chất thay thế phổ biến cho CFC, cũng có thể làm suy yếu sự phục hồi của tầng ozon. Dù hóa chất phá hủy ozone có thời gian tồn tại ngắn hơn nhiều so với chlorofluorocarbon, nhưng việc sử dụng nó vẫn chưa được kiểm soát.
P.K.L (NASATI), theo https://www.upi.com/Science_News/2019/12/06/Healing-the-ozone-layer-helped-slow-global-warming/5071575659118/?sl=9, 6/12/2019