Nghiên cứu đặc trưng thành phần loài và phân bố của thuỷ sinh vật, chủ yếu là giáp xác trong các thuỷ vực hang động núi đá vôi ở Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ sáu - 13/09/2019 03:26
Cỡ chữ
Ninh Bình có diện tích núi đá vôi trên 20.000 ha với trữ lượng hàng chục tỷ m³ đá vôi và vùng rừng núi chiếm khoảng 22% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Ở góc độ địa sinh vật, vùng núi đá vôi Ninh Bình tiếp giáp với tỉnh Hoà Bình thuộc vùng phân bố tự nhiên Tây Bắc và được xem là bậc thềm núi đá vôi chuyển tiếp cuối trước khi xuống cảnh quan đồng bằng. Đặc điểm của vùng núi đá vôi tỉnh Ninh Bình là nằm xen kẽ với vùng đồi núi và vùng đồng bằng, cùng với sự phát triển của mạng lưới sông suối đã tạo nên tính đa dạng và đặc trưng của hệ sinh thái thuỷ vực ở khu vực này, đặc biệt là hệ thống hang động và sông ngầm dưới các núi đá vôi. Bài báo này đề cập đến một số kết quả nghiên cứu trong năm 2010 về đa dạng thuỷ sinh vật tại một số thuỷ vực tiêu biểu cho vùng núi đá vôi tỉnh Ninh Bình gồm có sông Hoàng Long, sông Bến Đế, đầm Vân Long, sông và hang ngầm khu Tam Cốc-Bích Động, khu vực Tràng An; tiếp tục những nghiên cứu của Phan Văn Mạch trong giai đoạn 2009-2010 ở khu vực Tràng An.
Với thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì đề tài Qũy phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia phối hợp cùng Chủ nhiệm đề tài Tiến sĩ Trần Đức Lương thực hiện nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu đặc trưng thành phần loài và phân bố của thuỷ sinh vật, chủ yếu là giáp xác trong các thuỷ vực hang động núi đá vôi ở Việt Nam”. Với mục tiêu có được dữ liệu và sự hiểu biết rõ ràng, đầy đủ hơn về sinh vật hang động, trước hết trọng tâm là nhóm giáp xác nước ngọt (Copepoda, Cladocera, Cladocera, Ostracoda, Bathynellacea, Amphipoda, Isopoda và Decapoda) ở các thuỷ vực trong một số hang động tiêu biểu, đại diện của vùng núi đá vôi Việt Nam về thành phần loài, hình thái thích ứng sinh thái và đặc trưng phân bố của chúng theo độ sâu của các hang động và theo mùa khí hậu. Đánh giá mức độ đa dạng sinh học của các nhóm giáp xác sống trong hang động góp phần nâng cao thêm giá trị thiên nhiên của nhiều hang động nước ta làm cơ sở cho công tác bảo tồn, đánh giá chất lượng môi trường nước và du lịch sinh thái.
Kết quả thu được của đề tài hy vọng sẽ đóng góp vào công tác nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học ở một hệ sinh thái còn ít được nghiên cứu. Bên cạnh đó, đề tài sẽ cung cấp những dẫn liệu làm cơ sở cho nghiên cứu về sinh thái học các thuỷ vực sông suối ngầm và đánh giá môi trường thuỷ vực dựa vào chỉ thị sinh học khi mà các hệ sinh thái này đang chịu ảnh hưởng của các hoạt động nhân tác. Đây cũng sẽ là công trình nghiên cứu có tính hệ thống đầu tiên về thuỷ sinh vật môi trường nước hang động ở Việt Nam.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài thu được những kết quả như sau:
- Về khoa học: Kết quả của Đề tài đã cung cấp những dẫn liệu đầy đủ, đồng bộ về thành phần loài, mật độ và phân bố của quần xã giáp xác nước ngọt ở các hệ sinh thái rất đặc sắc của vùng núi đá vôi trong mối tương quan với đặc điểm môi trường nước. Trong đó có nhiều dẫn liệu mới, mở ra hướng nghiên cứu có triển vọng cả về mặt khoa học và thực tiễn. Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận tổng số 82 loài giáp xác ở các thủy vực trong hang động vùng núi đá vôi của Việt Nam. Trong đó, bổ sung 61 loài có phân bố ở loại hình thủy vực này so với các nghiên cứu đã có trước đây ở Việt Nam. Từ kết quả khảo sát của Đề tài 5 loài mới cho khoa học đã được công bố, gồm Graeteriella longifurcata, Mesocyclops sondoongensis, Nannodiaptomus haii, Halicyclops songsonensis (Copepoda), Macrobrachium phongnhaense (Decapoda), 18 dạng loài chỉ mới định loại tới giống với nhiều khả năng là những loài mới. Lần đầu phát hiện cho khu hệ giáp xác nước ngọt Việt Nam 2 bộ (Thermosbaenacea và Bathynellacea), 6 họ (Notodromadidae, Candonidae, Halosbaenidae, Parabathynellidae, Bogidiellidae và Microcerberidae) và 13 giống (Brancelia, Bryocyclops, Ochridiacyclops, Fierscyclops, Graeteriella, Rybocyclops, Nitocrella, Notodromas, Meridiescandona, Theosbaena, Siambathynella, Bogidiella, Protocerberus). Hầu hết những taxon này đều là những đại diện có đời sống điển hình ở các thủy vực trong hang động. Đề tài đã khảo sát, đánh giá chi tiết đặc trưng phân bố số lượng loài và mật độ của nhóm giáp xác ở các thủy vực trong hang động các vùng núi đá vôi điển hình ở nước ta. Lần đầu tiên cung cấp các dẫn liệu về nội dung phân chia tập hợp loài giáp xác ở vùng núi đá vôi ở Việt Nam thành các nhóm theo đặc tính phân bố sinh thái của chúng, gồm có: nhóm loài điển hình ở các thủy vực ngầm trong hang động (stygobites), nhóm loài hang động không chính thức (stygophiles). Kết quả nghiên cứu về số lượng loài, phân bố và mức độ đa dạng thành phần loài giáp xác ở các thủy vực trong hang động cho thấy mức độ đa dạng loài nhóm giáp xác ở các thủy vực trong hang động vùng núi đá vôi ở mức độ tương đương hoặc cao hơn so với các suối lộ thiên ở vùng núi. Đây là những dẫn liệu mới khẳng định sự tồn tại và phát triển của quần xã thủy sinh vật ở một hệ sinh thái rất đặc thù nơi chứa đựng những nét độc đáo về địa chất, địa mạo, môi trường. Đề tài đã tập trung đi sâu nghiên cứu hiện trạng môi trương nước của các thủy vực trong hang động ở Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) thông qua các chỉ tiêu chính về lý, hóa học môi trường nước. Đồng thời đánh giá mối tương quan giữa điều kiện môi trường nước và sự phân bố về cấu trúc thành phần loài, mật độ của nhóm giáp xác trong hang động. Từ đó đã đề xuất Bộ chỉ thị gồm 11 loài chỉ thị cho môi trường nước ngầm trong hang động. Bên cạnh đó, ngoài nhóm giáp xác đề tài cũng đã mở rộng đối tượng thủy sinh vật trong quá trình điều tra như cá (pisces), giun tròn (Nemathelminthes), Địa y (Lichens). Kết quả đã thu thập được nhiều vật mẫu và công bố được 01 bài báo về nhóm cá trong hang động và cung cấp dữ liệu về vật mẫu cho 1 nghiên cứu sinh đang thực hiện luận án. Đây là những dữ liệu quý cho các nghiên cứu tiếp theo ở những đối tượng thủy sinh vật khác trong hang động.
- Về ứng dụng: Kết quả thu được của Đề tài sẽ góp phần vào công tác điều tra, quản lý bảo tồn đa dạng sinh học ở các thủy vực vùng núi đá vôi; hỗ trợ công cụ đánh giá trong quan trắc giám sát môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái dựa trên chỉ thị sinh học giáp xác nước ngọt.
Trong quá trình thực hiện đề tài, chủ nhiệm đề tài và các thành viên đã có phối hợp với các cơ quan truyền thông như Đài truyền hình Việt Nam (VTV), Đài truyền hình Globo TV (Brazil) thực hiện các bộ phim về hang động ở Phong Nha-Kẻ Bàng. Trong đó có những nội dung về sinh học bên cạnh các nội dung về địa chất, địa mạo của các hang động. Đây cũng là cơ hội để quảng bá các di sản thiên nhiên Việt Nam phục vụ công tác phát triển du lịch.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13984/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.
N.T.T (NASATI)