Nghiên cứu sự tiến hóa Magma - kiến tạo đới cấu trúc Fan Si Pan
Cập nhật vào: Thứ hai - 16/09/2019 05:36 Cỡ chữ
Đới Fan Si Pan thuộc miền Tây Bắc Việt Nam, kéo dài phương Tây Bắc - Đông Nam khoảng 300 km từ biên giới Việt - Trung, phía Đông Bắc tiếp giáp với đới Sông Hồng, còn phía Tây Nam được ngăn cách với rìa nội lục Paleozoi muộn - Mesozoi sớm Sông Đà và Tú Lệ (Trần Văn Trị, 2010) bởi các đứt gãy sâu. Nó thường được coi là một bộ phận của Đới cấu trúc Tây Bắc Bộ, thuộc rìa nam của Miền cấu trúc Dương Tử hoặc Địa mảng Nam Trung Hoa (Dovjikov, 1965; Trần Văn Trị, 1977; Trần Đức Lương và Nguyễn Xuân Bao, 1982; Nguyễn Văn Hoành, 2005; Hutchison, 1989; Metcalfe, 2005; Lepvrier et al., 2004, 2008 v.v…). Lịch sử hình thành và tiến hoá của đới Fan Si Pan gắn liền với lịch sử hình thành và tiến hoá rìa Tây Nam của khối nền Nam Trung Hoa (khối Dương Tử).
Đới Fan Si Pan được cấu thành chủ yếu từ các đá magma xâm nhập thành phần trung tính - axit, thuộc loạt kiềm vôi, á kiềm và kiềm, có tuổi rất khác nhau, từ Tiền Cambri, Paleozoi muộn - Mesozoi sớm và Kainozoi sớm. Toàn khu vực đã trải qua nhiều giai đoạn hoạt động magma với lịch sử tiến hoá phức tạp. Các đá magma điển hình và chiếm khối lượng lớn trong đới cấu trúc là granitoid của phức hệ Yê Yên Sun, phức hệ Mường Hum và phức hệ Po Sen. Từ những năm 1960 trở lại đây đã có nhiều nhà địa chất trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu các thành tạo magma trên đới Fan Si Pan cũng như chế độ địa động lực hình thành chúng. Tuy nhiên, các đá magma trong đới Fan Si Pan chưa được nghiên cứu đồng đều, các đá magma tuổi Mesozoi đến Kanozoi được đầu tư nghiên cứu khá kỹ cả về nguồn gốc và tuổi thành tạo bằng những phương pháp phân tích hiện đại có độ chính xác cao.
Bởi vậy, Đề tài: “Nghiên cứu sự tiến hóa magma - kiến tạo đới cấu trúc Fan Si Pan” là nhiệm vụ rất thiết thực và có tính thời sự là sự phối hợp giữa Cơ quan chủ trì đề tài Viện khoa học và địa chất khoáng sản và Chủ nhiệm đề tài ThS. Bùi Thế Anh cùng thực hiện. Với mục tiêu Xác lập các giai đoạn hoạt động magma trong đới Fan Si Pan; Khôi phục lịch sử tiến hóa magma - kiến tạo đới Fan Si Pan trong bối cảnh địa chất (địa động lực) khu vực; Dự báo khả năng sinh kim của các thành tạo magma dựa trên các kết quả nghiên cứu về địa hóa và thạch luận của chúng. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần khôi phục lại lịch sử tiến hóa kiến tạo đới Fan Si Pan và có cái nhìn tổng thể hơn về kiến tạo rìa địa khu liên hợp Việt - Trung. Các kết quả mới về tuổi thành tạo của các thành tạo magma có được từ đề tài là những số liệu tin cậy và quan trọng trong công tác hiệu chỉnh, ghép nối bản đồ và trong đo vẽ bản đồ địa chất ở tỷ lệ lớn.
Trên cơ sở khảo sát nghiên cứu thực địa cùng với các kết quả phân tích định lượng của Đề tài kết hợp với sự vận dụng và luôn cập nhật những lý thuyết mới nhất về nghiên cứu thạch luận - sinh khoáng các thành tạo magma nên tập thể tác giả đã hoàn thành tốt các mục tiêu và nhiệm vụ theo Đề cương được Bộ TNMT phê duyệt. Một trong những kết quả nổi bật và cũng là nhiệm vụ chính của đề tài đó là đã xác định được tuổi thành tạo của các đá magma tiền Cambri bằng phương pháp SHRIMP U-Pb trên zircon gồm phức hệ Bảo Hà, Ca Vịnh, Xóm Giấu. Các đá granit của phức hệ Bản Ngậm cũng lần đầu tiên được định tuổi bằng đồng vị U-Pb zircon. Ngoài ra, cũng lần đầu tiên có loại granit bitoit sáng màu bị ép ở Nậm Thi (đèo Ô Quy Hồ) phân tích đồng vị U-Pb zircon cho tuổi 2.9 tỉ năm. Granit Nậm Thi có tuổi cổ này có lẽ trùng với orthgneiss trong loạt Fan Si Pan của Fromaget (1941) và Izokh (1965).
Kết hợp với các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước có trước, tập thể tác giả đã thiết lập được các giai đoạn nhiệt kiến tạo trên đới Fan Si Pan, góp phần làm sáng tỏ lịch sử tiến hóa magma - kiến tạo trên đới Fan Si Pan nói riêng và lịch sử tiến hóa kiến tạo miền bắc Việt nam nói chung, đồng thời liên kết đối sánh với các khu vực lân cận trên lãnh thổ Việt Nam và địa khối Nam Trung Hoa.
Trên cơ sở các số liệu địa hóa và đặc biệt là số liệu đồng vị Rb-Sr và Sm-Nd, bản chất magma và nguồn gốc của các thành tạo magma tiền Cambri được làm sáng tỏ, đồng thời xác định khả năng sinh khoáng sản nội sinh của chúng.
Đề tài đã thu thập tổng hợp, thiết lập được cơ sở dữ liệu có độ tin cậy cao về các thành tạo magma và biến chất trên đới Fan Si Pan. Các số liệu này cùng với số liệu mới của đề tài là tài liệu quý giá cho việc ghép nối các tờ bản đồ địa chất 1:50.000 và sử dụng cho công tác đo vẽ và lập bản đồ địa chất ở tỉ lệ lớn.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13837/2016) tại Cục Thông tin KHCNQG.
N.T.T (NASATI)