Nobel Vật lý 2019 vinh danh nghiên cứu về vũ trụ
Cập nhật vào: Thứ tư - 09/10/2019 18:01 Cỡ chữ
Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển; Giải Nobel Vật lý 2019 được trao cho 3 nhà khoa học James Peebles, Michel Mayor và Didier Queloz với hai công trình nghiên cứu "đóng góp vào sự hiểu biết về sự tiến hóa của vũ trụ và vị trí của Trái đất trong vũ trụ".
James Peebles, Michel Mayor and Didier Queloz
Ông Göran K. Hansson, Tổng thư ký Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, tuyên bố, nhà khoa học James Peebles sẽ được trao một nửa giá trị giải thưởng vì "những phát hiện mang tính lý thuyết về vũ trụ học vật lý". Ông sinh năm 1935 tại Winnipeg, Canada, là Giáo sư tại Đại học Princeton-Hoa Kỳ.
Hai nhà khoa học Michel Mayor và Didier Queloz chia nhau nửa giải còn lại vì "phát hiện một hành tinh ngoài Hệ Mặt trời có quỹ đạo quay quanh một ngôi sao cùng loại với Mặt trời". Michel Mayor, sinh năm 1942 tại Lausanne-Thụy Sĩ, đang giảng dạy tại Đại học Geneva. Didier Queloz sinh năm 1966- Giáo sư tại Đại học Geneva và Đại học Cambridge-Anh.
Theo Uỷ ban Nobel, ông James Peebles đã nghiên cứu chuyên sâu về vũ trụ với hàng tỷ thiên hà và cụm thiên hà. Công trình của ông giúp tăng cường hiểu biết về cấu trúc và lịch sử của vũ trụ, đặt nền móng cho ngành vũ trụ học trong 50 năm qua. Mô hình Big Bang mô tả quá trình vũ trụ tiến hóa trong gần 14 tỷ năm từ một khối cầu nóng và đặc thành vũ trụ mênh mông, lạnh lẽo và không ngừng mở rộng như ngày nay.
Gần 400.000 năm sau vụ nổ Big Bang, vũ trụ tăm tối dần trở nên trong suốt, cho phép ánh sáng truyền qua không gian. Ngày nay, bức xạ còn sót lại dưới dạng phông vi sóng vũ trụ và lưu giữ nhiều thông tin về vũ trụ thuở đầu. Với các công cụ lý thuyết và tính toán, Peebles giải mã những dấu vết sót lại từ thuở sơ khai của vũ trụ và phát hiện nhiều quá trình mới. Ông nhận thấy chúng ta mới chỉ biết 5% vũ trụ khả kiến dưới dạng ngôi sao, hành tinh và con người. 95% còn lại bao gồm năng lượng tối và vật chất tối theo cách gọi của các nhà vật lý. Năng lượng tối là lực thúc đẩy sự mở rộng của vũ trụ trong khi vật chất tối vô hình dường như lơ lửng quanh các thiên hà, chỉ có thể nhận biết qua sức hút trọng lực.
Tháng 10 năm 1995, Michel Mayor và Didier Queloz khám phá các khu vực lân cận hệ Mặt trời trong dải Ngân Hà. Họ tìm thấy hành tinh khí khổng lồ quay quanh ngôi sao 51 Pegasi ở cách Trái đất 50 năm ánh sáng. Sử dụng thiết bị chuyên dụng, họ quan sát hành tinh giống sao Mộc 51 Pegasi b từ Đài thiên văn Haute-Provence ở phía nam nước Pháp. Đây là ngoại hành tinh đầu tiên được phát hiện quanh một ngôi sao dãy chính, loại sao hợp nhất nguyên tử hydro để hình thành nguyên tử heli ở lõi. Sao dãy chính, bao gồm cả Mặt trời, là loại sao phổ biến nhất trong vũ trụ.
Khám phá của Mayor và Queloz đã khởi đầu một cuộc cách mạng trong lĩnh vực thiên văn học và từ đó hơn 4.000 ngoại hành tinh đã được tìm thấy trong Dải Ngân Hà với sự đa dạng về kích thước, hình thái và quỹ đạo. Chúng thách thức những ý tưởng định sẵn của chúng ta về các hệ hành tinh và buộc các nhà khoa học sửa đổi lý thuyết của họ về các quá trình vật lý đằng sau nguồn gốc của các hành tinh.
Những thành công trên đã thay đổi suy nghĩ của chúng ta về vũ trụ. Trong khi các khám phá lý thuyết của James Peebles, góp phần vào sự hiểu biết về cách thức vũ trụ phát triển sau vụ nổ Big Bang, Michel và Didier Queloz đã khám phá các khu vực vũ trụ của chúng ta để săn lùng các hành tinh chưa biết. Những khám phá của họ đã thay đổi quan niệm của chúng ta về thế giới.
Đ.T.V (NASATI), theo https://www.nobelprize.org/prizes/physics/2019/prize-announcement/ và https://physicsworld.com/a/james-peebles-michel-mayor-and-didier-queloz-share-nobel-prize-for-physics/
thông báo, khoa học, hoàng gia, nhà khoa học, nghiên cứu, hiểu biết, tiến hóa, vũ trụ, vị trí, trái đất