Phát hiện hành tinh mới quay quanh ngôi sao gần Mặt trời nhất
Cập nhật vào: Thứ sáu - 25/02/2022 17:03 Cỡ chữ
Theo nghiên cứu mới công bố trên chuyên san Astronomy & Astrophysics, các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết về hành tinh thứ ba quay quanh Proxima Centauri, ngôi sao gần Mặt trời nhất. Hành tinh mới được đặt tên là Proxima Centauri d, có kích cỡ nhỏ hơn Trái đất và nhiều khả năng chứa các đại dương nước ở dạng chất lỏng.
Tác giả chính của nghiên cứu, nhà thiên văn học João Faria tại Viện Vật lý Thiên văn và Khoa học Không gian, thuộc Đại học Porto, Bồ Đào Nha, cùng các cộng sự đã phát hiện ra Proxima Centauri d khi dùng thiết bị ESPRESSO để đo những dao động nhỏ trong chuyển động của Proxima Centauri được tạo ra từ lực hấp dẫn mà hành tinh tác động khi quay quanh ngôi sao.
ESPRESSO, viết tắt của Echelle Spectrograph for Rocky Exoplanets and Stable Spectroscopic Observations (Máy đo quang phổ Echelle Spectrograph cho ngoại hành tinh có bề mặt đất đá và quan sát quang phổ ổn định), được gắn trên Kính thiên văn rất lớn (Very Large Telescope), vốn là tổ hợp bốn kính thiên văn quang học có gương đường kính 8,2 mét, của Tổ chức Nghiên cứu thiên văn châu Âu tại Nam Bán cầu (European Southern Observatory - ESO), đặt trên núi Cerro Paranal ở Chile. ESPRESSO tìm kiếm các hành tinh thông qua kỹ thuật vận tốc xuyên tâm, nhận biết sự dao động nhẹ trong chuyển động của một ngôi sao gây ra bởi lực hấp dẫn của một vật thể quay quanh quỹ đạo.
Đối với trường hợp của Proxima Centauri d, các phép đo cho thấy, có những tín hiệu yếu trong chuyển động của ngôi sao có khả năng là do một hành tinh có chu kỳ quay 5 ngày. Kết quả của những quan sát sâu hơn bằng ESPRESSO trong vòng hai năm qua đã xác nhận sự tồn tại của hành tinh mới Proxima Centauri d.
Proxima Centauri d quay quanh quỹ đạo của Proxima Centauri ở khoảng cách khoảng 4 triệu km, tương đương 1/10 khoảng cách giữa Mặt trời và sao Thủy, và là hành tinh thứ ba được phát hiện trên quỹ đạo của Proxima Centauri.
Trước Proxima d, hai hành tinh khác là Proxima b và c - lần lượt quay xung quanh Proxima Centauri trong 11 ngày và 5,2 năm - cũng được xác định bằng kỹ thuật vận tốc xuyên tâm.
Proxima d không chỉ là hành tinh quay quanh Proxima Centauri nhanh nhất mà còn nhẹ nhất trong số 3 hành tinh, với trọng lượng chỉ bằng 1/4 khối lượng Trái đất.
‘Thành tựu này là vô cùng quan trọng”, đồng tác giả nghiên cứu Pedro Figueira, nhà khoa học ESPRESSO tại ESO ở Chile, nhấn mạnh. “Nó cho thấy kỹ thuật vận tốc xuyên tâm có tiềm năng tiết lộ một quần thể các hành tinh ánh sáng, giống như hành tinh của chúng ta, hệ thống được cho là phong phú nhất trong dải Ngân hà và có thể có khả năng phát triển sự sống như chúng ta đã biết”. “Phát hiện mới cho thấy hàng xóm gần nhất của Mặt Trời dường như chứa đầy những thế giới thú vị, đáng để khám phá và nghiên cứu thêm trong tương lai”, Faria cho biết thêm trong cùng tuyên bố.
N.M.H (NASATI), theo https://www.nature.com/articles/d41586-022-00400-3, 10/2/2022