Tốc độ nhanh cạn kiệt oxy ở các đại dương ngày một tăng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và ô nhiễm
Cập nhật vào: Thứ tư - 18/12/2019 21:22 Cỡ chữ
Theo một báo cáo mới của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), nồng độ oxy trong các đại dương trên thế giới đang dần cạn kiệt, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống của nhiều loài cá.
Minna Epps, giám đốc chương trình biển và địa cực toàn cầu thuộc IUCN cho biết: "Chúng ta cần hành động khẩn cấp trên phạm vi toàn cầu để khắc phục và đảo ngược các tác động của quá trình khử oxy trong các đại dương. Các quyết định được đưa ra tại hội nghị về biến đổi khí hậu đang diễn ra sẽ xác định liệu các đại dương có tiếp tục duy trì được môi trường sống đa dạng hay liệu có xảy ra tình trạng các vùng biển giàu oxy có bị mất đi ngày càng nhiều và thậm chí không thể cứu vãn hay không".
Nghiên cứu của IUCN là nghiên cứu quy mô lớn thuộc loại hình này từng được thực hiện với sự hợp tác nỗ lực của 67 nhà khoa học từ 17 quốc gia và đã được trình bày tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu ở Madrid, Tây Ban Nha.
Báo cáo xác định chính xác vấn đề ô nhiễm dưỡng chất và biến đổi khí hậu là thủ phạm chính gây ra tình trạng suy giảm, đe dọa sự sống của một số loài cá ngừ, cá maclin và cá mập vốn là những loài lớn với nhu cầu oxy lớn hơn so với các loài khác.
Khoảng 700 địa điểm ở đại dương được thử nghiệm hiện đang trong tình trạng bị thiếu oxy, trong khi vào thập niên 1960, chỉ có 45 địa điểm và lượng oxy hòa tan trong các đại dương giảm 2% trong giai đoạn từ năm 1960 đến 2010. Tại một số địa điểm nhiệt đới, lượng oxy mất đi ngày một tăng cao, lên đến 40%.
Tình trạng cạn kiệt dưỡng chất do ảnh hưởng của ô nhiễm bắt nguồn từ các hóa chất như nitơ và phốt pho là yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ oxy của đại dương và vẫn là yếu tố chính, nhưng biến đổi khí hậu đã làm cho vấn đề trở nên ngày một nghiêm trọng. Do lượng cacbon được giải phóng vào khí quyển ngày càng nhiều, nên phần lớn nhiệt được hấp thụ bởi các đại dương và nước ấm hơn chứa ít oxy hơn.
Theo ước tính, nếu lượng khí thải cacbon tiếp tục duy trì ở mức hiện tại, thì các đại dương trên thế giới sẽ mất từ 3 đến 4% lượng oxy vào năm 2100 với tỷ lệ cạn kiệt oxy tại các vùng nhiệt đới sẽ ở mức cao hơn.
P.K.L (NASATI), theo https://www.upi.com/Science_News/2019/12/07/Report-Oceans-losing-oxygen-at-rapid-rate-due-to-climate-change-pollution/4601575769174/?sl=7, 7/12/2019
báo cáo, tổ chức, thiên nhiên, quốc tế, nồng độ, thế giới, đe dọa, nghiêm trọng, môi trường