Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp thực hiện Tiêu chí Môi trường và các mô hình mẫu về xử lý tổng hợp chất thải rắn trong xây dựng nông thôn mới
Cập nhật vào: Chủ nhật - 13/01/2019 22:01
Cỡ chữ
Nhiệm vụ trọng tâm về lĩnh vực môi trường là tạo sự chuyển biến rõ nét về vệ sinh, môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh, sạch, đẹp với các nhiệm vụ cụ thể đó là: Nâng cao ý thức BVMT, kiến thức phân loại, xử lý rác cho từng hộ gia đình; Tập trung xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi. Khắc phục ô nhiễm ở các làng nghề, áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến và các hình thức tổ chức phù hợp với điều kiện từng địa phương để xử lý hiệu quả rác thải, nước thải. Làm đẹp cảnh quan và các công trình công cộng. Có cơ chế, chính sách tạo nguồn lực cho giải quyết các vấn đề môi trường nông thôn; Từng bước đưa các cơ sở chăn nuôi lớn và ngành nghề tiểu thủ công nông nghiệp nông thôn vào khu tập trung để kiểm soát việc xử lý môi trường, hạn chế ô nhiễm; Phát động mạnh mẽ phong trào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, trong đó, nội dung chủ yếu hướng vào xử lý môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch đẹp ở từng hộ và cộng đồng dân cư.
Để góp phần hoàn thành các mục tiêu này, nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường làm chủ nhiệm đã tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp thực hiện Tiêu chí Môi trường và các mô hình mẫu về xử lý tổng hợp chất thải rắn trong xây dựng nông thôn mới” nhằm tập trung đánh giá những khó khăn, tồn tại trong thực hiện Tiêu chí Môi trường (TCMT) giai đoạn 2011-2015 để làm cơ sở đề xuất các giải pháp thực hiện TCMT giai đoạn 2016-2020, góp phần cải thiện môi trường khu vực nông thôn và thực hiện thành công chương trình MTQG về xây dựng NTM.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đã đạt được các kết quả chính như sau:
1. Kết quả khảo sát thực địa tại 10 tỉnh đại diện cho 7 vùng sinh thái đã chỉ ra những bất cập, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong thực hiện TCMT giai đoạn 2011-2015 như: Nội dung và các chỉ tiêu đánh giá TCMT chưa phù hợp với các chỉ tiêu trong Chiến lược BVMT Quốc gia, quá cao hoặc thiếu cụ thể, chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên, KTXH của các vùng miền dẫn đến khó khăn trong hướng dẫn thực hiện và đánh giá khi công nhận xã đạt chuẩn MTM; Chính sách hỗ trợ chưa tương xứng với các yêu cầu BVMT trong xây dựng NTM; Chồng chéo trong phân công trách nhiệm thực hiện TCMT; Năng lực quản lý môi trường của cấp xã còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu của công tác BVMT trong xây dựng NTM; Hạn chế về nhận thức và sự tham gia của cộng đồng là một trong những rào cản lớn; Việc triển khai TCMT ở cấp xã chậm hơn so với các tiêu chí khác.... Những đánh giá nêu trên là cơ sở đề xuất các giải pháp thực hiện TCMT trong xây dựng NTM cấp xã giai đoạn 2016-2020
2. Kết quả đánh giá sự phù hợp Tiêu chí Môi trường giai đoạn 2011-2016 cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất điều chỉnh bổ sung Tiêu chí Môi trường trong xây dựng nông thôn mới cấp xã giai đoạn 2016-2020. Đề xuất điều chỉnh Tiêu chí Môi trường từ 5 (năm) nội dung sang 8 (tám) nội dung là phù hợp chức năng quản lý của các ngành, tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện và phân công trách nhiệm của các Bộ, ngành trong thực hiện TCMT. Đề xuất yêu cầu BVMT và các chỉ tiêu đánh giá dựa trên Chiến lược BVMT Quốc gia đến 2020 và định hướng đến 2030 và đặc thù về điều kiện tự nhiên, KTXH của các vùng, miền.
3. Các giải pháp chính sách thực hiện Tiêu chí Môi trường giai đoạn 2016-2020 do đề tài đề xuất là cơ sở khoa học và thực tiễn cho Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Bộ ngành liên quan điều chỉnh chính sách hỗ trợ cấp xã thực hiện TCMT, trong đó, tập trung các chính sách hỗ trợ phát triển tổ chức dịch vụ môi trường cấp xã, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình xử lý chất thải;
- Các giải pháp tổ chức quản lý và công nghệ, kỹ thuật do đề tài đề xuất đã xét đến đặc thù của các điều kiện tự nhiên, KTXH của các vùng, miền. Các giải pháp đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với chính sách xã hội hóa trong xây dựng NTM. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã tập trung vào các giải pháp chưa được chú ý trong giai đoạn 2011-2015 như cải thiện môi trường khu dân cư, phát triển các khu vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, cải tạo cảnh quan bằng hàng rào cây xanh.
- Kết quả NC của đề tài cho thấy, để thực hiện Tiêu chí Môi trường trong xây dựng NTM cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp từ tổ chức quản lý, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, giải pháp kỹ thuật phù hợp và sự tham gia của cộng đồng. Coi trọng phát triển nguồn lực của địa phương nhưng phải có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, khác với một số quan điểm trước đây cho rằng môi trường nông thôn chưa phải là vấn đề bức xúc nên chỉ tập trung giải quyết các vấn đề môi trường đô thị và khu công nghiệp.
4. Sổ tay hướng dẫn thực hiện Tiêu chí Môi trường trong xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 đã được Văn phòng Điều phối NTM Trung ương tiếp nhận và được coi là tài liệu thiết thực phục vụ công tác tham mưu của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đối với Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện hiệu quả Tiêu chí 17 (Môi trường và an toàn thực phẩm). Các nội dung hướng dẫn về tổ chức thực hiện Tiêu chí Môi trường cấp xã và các giải pháp tổ chức quản lý, công nghệ trong sổ tay lán bộ chuyên môn cấp, huyện, xã trong triển khai tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm.
5. Tài liệu hướng dẫn tổ chức quản lý trong xử lý CTR nông thôn đã hướng tập trung vào hướng dẫn để khắc phục những tồn tại, yếu kém nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện tiêu chí 17.5 - Thu gom, xử lý CTR (là một trong 2 nội dung được đánh giá là khó thực hiện nhất của tiêu chí môi trường) từ các khâu lựa chọn, xây dựng mô hình, lập kế hoạch tổ chức quản lý, phát triển tổ chức dịch vụ, xây dựng qui chế quản lý, đánh giá kết quả thực hiện, phổ biến nhân rộng, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng. Nội dung hướng dẫn là tài liệu tham khảo cho cán bộ cấp huyện, xã trong chỉ đạo thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí 17.5.
6. Kết quả thực hiện các mô hình tổ chức quản lý trong xử lý tổng hợp CTR nông thôn xã Đoàn Xá, La Bằng và Nhơn Ái như sau:
i) Các mô hình đều đạt và vượt các chỉ tiêu đã đăng ký trong đề tài
ii) Tác động đến chính sách quản lý CTR nông thôn
- Dựa trên kết quả thực hiện mo hình xã Đoàn Xá, TP. Hải Phòng đã có chủ trương điều chỉnh chính sách thu phí VSMT và chính sách hỗ trợ quản lý vận hành khu xử lý rác cấp xã. Cần phải có chính sách XHH, phát triển dịch vụ công – tư trong thu gom, xử lý CTR nông thôn
- Từ kết quả thực hiện thực hiện giải pháp phân loại rác và ủ rác hữu cơ tại hộ gia đình bằng thùng ủ compost và biện pháp tách phân rắn chăn nuôi để ủ compost là những giải pháp dễ thực hiện, huy động được sự tham gia của cộng đồng, đề tài đã đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển các giải pháp này (các chính sách hiện tại chỉ hỗ trợ cho các khu xử lý CTR tập trung và xử lý chất thải chăn nuôi bằng biogas)
iii) Hiệu quả về kinh tế: - Giải pháp nâng cao mức thu phí VSMT ở các mô hình thí điểm đã làm tăng doanh thu, đảm bảo cân đối thu chi cho tổ chức dịch vụ thu gom rác thải. Doanh thu từ phí VSMT ở xã La Bằng tăng từ tăng từ 24.600.000 đ/năm lên 85.800.000 đ/năm, tăng 348,8%. Ở xã Đoàn Xá doanh thu của tổ chức dịch vụ tăng từ 308.700.000 đ/năm lên 865.368.000 đ/năm vào năm, tăng 280%. Ở xã Nhơn Ái doanh thu của tổ chức dịch vụ khoảng 99.120.000 đồng/năm (tăng 100%)
- Thu nhập của công nhân thu gom rác thải được cải thiện, tăng từ 700.000 đ/tháng lên 1.200.000 đ/tháng ở xã La Bằng và tăng từ 3.000.000 đ/người/tháng lên 4.000.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, công nhân thu gom rác còn được trang bị bảo hộ lao động và chế độ phúc lợi
- Giải pháp phân loại rác và ủ rác hữu cơ tại gia đình ở Nhơn Ái và La Bằng tiết kiệm được chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại khu tập kết, rác sau khi ủ thành phân hữu cơ sử dụng để bón cho cây trồng ngay trong vườn nhà
- Giải pháp tách phân gia súc để ủ compost ở xã Đoàn Xá và La Bằng đã tiết kiệm chi phí xây dựng bể biogas và tiết kiệm chi phí do phân sau xử lý được sử dụng làm phân bón hoặc bán cho các hộ nuôi thủy sản.
- Giải pháp nhân chế phẩm vi sinh EM, ENMUNIV từ giống gốc ngoài việc thuận tiện trong sử dụng đã tiết kiệm 50-60% chi phí
- Nhờ cải tiến công tác quản lý xử lý rác thải xã Đoàn Xá, tỷ lệ rác thải được xử lý tăng từ 1.675,3 tấn/năm lên 2.463,2 tấn/năm, tăng 147%. Tỷ lệ rác thải xử lý bằng lò đốt tăng từ 671,6 tấn lên 1.478,3 tấn/năm, tăng 220%. Tỷ lệ rác chôn lấp giảm từ 45% xuống còn 20%. Công suất lò đốt tăng từ 115 kg/giờ lên 253 kg/giờ, tăng 220%
iv) Hiệu quả về xã hội:
- Chương trình tập huấn, nâng cao nhận thức cộng đồng tại 3 điểm xây dựng mô hình với sự tham gia của gần 300 người (kế hoạch là 150 người) là những cán bộ nồng cốt như lãnh đạo UBND xã, Đảng ủy, HĐND, MTTQ, các tổ chức đoàn thể, trưởng thôn, xóm và các hộ gia đình tham dự. Những người này có tác nhiệm vụ tập huấn lại, triển khai các hoạt động thu gom, xử lý CTR nông thôn. Đông đảo người dân đã nhận thức được tác hại của việc đổ rác bừa bãi, xử lý rác không hợp vệ sinh, trách nhiệm của các bên trong thu gom, xử lý CTR nông thôn và giữ gìn VSMT. Nhờ đó mà thay đổi hành vi, theo đánh giá của chính quyền địa phương, tình trạng vứt rac thải, xác gia súc, gia cầm ra đường làng, kênh mương và nơi công cộng đã giảm hẳn
- Tỷ lệ các hộ tham gia nộp phí VSMT ở các điểm xây dựng mô hình đều tăng lên. Tỷ lệ hộ nộp phí VSMT tăng từ 80 lên 90% ở mô hình xã Đoàn Xá và tăng từ 30 lên 70% ở mô hình xã La Bằng - Hội nghị phổ biến mô hình được triển ở 3 mô hình với gần 500 đại biểu tham gia (kế hoạch 150 người) đã thông tin kết quả mô hình đến tất cả các xã của huyện Kiến Thụy và huyện Phong Điền. Hội LHPN huyện Phong Điền TP. Cần Thơ đã phát triển mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng thùng ủ rác compost cho chi hội phụ nữ của 6 xã và 1 thị trấn trong huyện và gắn với phong trào “5 không, 3 sạch” do hội LHPN Việt Nam phát động
v) Hiệu quả về môi trường
- Tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp trong khu vực nông thôn tại các điểm xây dựng ô hình - Cải thiện môi trường khu xử lý rác thải xã Đoàn Xá, không còn mùi hôi do sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác. Không còn rác thải tồn đọng do được tổ chức lại và công suất xử lý rác của lò đốt tăng lên.
- Đối với các hộ tham gia mô hình tách phân gia súc để ủ compost, môi trường được cải thiện rõ rệt, chuồng trại không còn mùi hôi, hiệu quả xử lý chất thải trong bể biogas tăng lên do phân rắn được tách riêng để ủ compost. Các hộ không còn sử dụng phân tươi để nuôi cá và bón ruộng
- Ở mô hình xã La Bằng, Nhơn Ái, chi hội phụ nữ còn phát động phong trào trồng hoa, trồng cỏ ven đường tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
2. Tồn tại của đề tài
- Chưa có các giải pháp thực hiện Nội dung 17.8. Tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020 do nội dung này mới được ban hành theo Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2017 khi đề tài chuẩn bị kết thúc và không có trong đề cương của đề tài
- Chưa có các giải pháp thực hiện đối với các cơ sở NTTS tập trung do đối tượng này không thuộc phạm vi của đề tài
Như vậy, kết quả nghiên cứu của đề tài đã chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong thực hiện Tiêu chí Môi trường cần được khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Tiêu chí Môi trường giai đoạn 2016-2020.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14665/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)