Bé trai tiếp xúc với hóa chất BPA từ trong bào thai có nguy cơ cao mắc chứng tự kỷ
Cập nhật vào: Chủ nhật - 25/08/2024 13:15 Cỡ chữ
Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học Australia, một loại hóa chất thường có trong bao bì nhựa và lớp lót của hộp đựng thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc chứng tự kỷ ở trẻ trai. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Cụ thể, bé trai tiếp xúc với bisphenol A (BPA) từ trong bụng mẹ, nhiều khả năng biểu hiện các triệu chứng tự kỷ khi được hai tuổi và có khả năng được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ cao gấp sáu lần khi 11 tuổi. Tự kỷ là rối loạn phát triển thần kinh với nhiều thay đổi về hành vi và nhận thức.
Nghiên cứu do Viện Khoa học thần kinh và Sức khỏe tâm thần Florey ở Australia thực hiện, đã kiểm tra nồng độ BPA ở những bà mẹ mang thai và theo dõi sự phát triển của em bé trong khoảng thời gian 10 năm. Kết quả cho thấy tiếp xúc nhiều với BPA có liên quan đến việc ức chế aromatase, loại enzyme quan trọng đối với quá trình phát triển não bộ, đặc biệt là ở bé trai. Như vậy, ức chế enzyme có liên quan đến khả năng chẩn đoán tự kỷ cao hơn.
Các phát hiện nghiên cứu còn được hỗ trợ bởi các thí nghiệm trên chuột. Khi gen sản sinh aromatase bị loại bỏ, chuột sẽ biểu hiện các hành vi lặp lại, một đặc điểm chung của chứng tự kỷ ở người.
GS. Anne-Louise Ponsonby, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: "Việc bà mẹ tiếp xúc với hóa chất nhựa trong thời kỳ mang thai đã được chứng minh trong một số nghiên cứu có liên quan đến chứng tự kỷ sau này ở con cái họ. Nghiên cứu của chúng tôi rất quan trọng vì chứng minh một trong những cơ chế sinh học có liên quan. BPA có thể phá vỡ sự phát triển não bộ của thai nhi là bé trai do hormone kiểm soát theo nhiều cách, bao gồm cả việc gây bất hoạt enzyme aromatase kiểm soát các hormone thần kinh và đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển não bộ của thai nhi là bé trai".
Theo GS. Ponsonby, mặc dù chứng tự kỷ xuất phát từ sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường, nhưng việc tiếp xúc với BPA xem ra cũng là một yếu tố góp phần, đặc biệt là ở bé trai.
BPA được sử dụng trong sản xuất bao bì thực phẩm bằng nhựa và lớp lót lon kim loại. Hóa chất này thường được tìm thấy trong các vật dụng như máy lọc nước, hộp đựng thực phẩm và chai tái sử dụng. BPA giúp tăng độ bền và tạo độ trong suốt cho nhựa, nhưng có thể rò rỉ ra ngoài với khối lượng nhỏ, làm dấy lên lo ngại về tác động của nó đến sức khỏe con người.
BPA thường xâm nhập vào cơ thể chúng ta với liều lượng nhỏ qua đường ăn uống nhưng cũng có thể được hít vào hoặc hấp thụ qua da. Các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy mối liên hệ giữa BPA với tác động tiêu cực đến não và tuyến tiền liệt của thai nhi, trẻ sơ sinh và trẻ em. Đây là những phát hiện mới liên quan đến chứng tự kỷ.
Lo ngại về BPA đã dẫn đến hành động kêu gọi cấm sử dụng hóa chất này. Liên minh Châu Âu sẽ cấm BPA trong các vật liệu tiếp xúc với thực phẩm như bao bì nhựa, hộp đựng tráng phủ, chai tái sử dụng, máy làm mát nước và đồ dùng nhà bếp. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2024, trong khi chờ Nghị viện và Hội đồng châu Âu xem xét.
Nghiên cứu mới được đưa ra trong bối cảnh thế giới chuẩn bị cho vòng đàm phán cuối cùng của Liên hợp quốc tại Hàn Quốc vào cuối năm nay để xây dựng một hiệp ước toàn cầu chống ô nhiễm nhựa.
N.P.D (NASATI), theo Independent, 8/2024