Biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân gia tăng mắc các bệnh ung thư cao
Cập nhật vào: Thứ hai - 09/11/2020 10:45 Cỡ chữ
Theo một báo cáo mới từ UC San Francisco, biến đổi khí hậu sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng trên toàn thế. Tình trạng nhiệt độ tăng lên, cháy rừng và chất lượng không khí kém… sẽ kéo theo tỷ lệ ung thư cao hơn, đặc biệt là ung thư phổi, da và ung thư đường tiêu hóa.
Trong một phân tích của gần 50 bài báo khoa học công bố gần đây, các nhà nghiên cứu đã cung cấp tóm tắt những tác động trong tương lai do sự nóng lên toàn cầu đối với các bệnh ung thư, từ chất độc môi trường đến bức xạ tia cực tím, ô nhiễm không khí, các tác nhân lây nhiễm và sự gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm và nước.
Cuối cùng, thách thức lớn nhất đối với bức tranh ung thư toàn cầu có thể là bắt nguồn từ sự gián đoạn các hệ thống chăm sóc sức khỏe phức hợp cần thiết cho việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc ung thư, các nhà nghiên cứu cho biết. Đánh giá này đã được công bố trên tạp chí The Lancet Oncology mới đây.
Robert A. Hiatt, MD, Ph.D., giáo sư dịch tễ học và thống kê sinh học, Phó Giám đốc của Trung tâm Ung thư Toàn diện Gia đình Helen Diller UCSF, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Trong cuộc chiến nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu trên toàn thế giới, cộng đồng quốc tế không định hướng làm giảm phát thải khí nhà kính. Năm 2015-2019 là năm năm khí hậu toàn cầu ấm nhất được ghi nhận và năm 2020 là năm đã chứng kiến những tác động to lớn đến khí hậu, từ tình trạng cháy rừng cho đến bão lũ nghiêm trọng”.
Tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe là rất lớn và dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có các hành động ứng phó nhanh chóng. Nhiệt độ cao, chất lượng không khí kém và cháy rừng khiến tỷ lệ mắc các bệnh về hô hấp và tim mạch cao hơn. Nhiệt độ ấm hơn và lượng mưa thay đổi làm tăng nguy cơ và sự lây lan của các bệnh do véc tơ truyền nhiễm bệnh, chẳng hạn như sốt rét và sốt xuất huyết.
Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh rằng, các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra thương vong, tổn thất, sự dịch chuyển và làm gián đoạn việc chăm sóc sức khỏe.
Ung thư được dự đoán là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong thế kỷ 21. Trên toàn thế giới, có 24,5 triệu ca ung thư mới và có 9,6 triệu ca tử vong trong năm 2017, tăng đáng kể so với năm 2008 với 12,7 triệu ca mắc và 7,6 triệu ca tử vong.
Các tác giả cho biết các mối đe dọa lớn nhất gây ung thư có thể bắt nguồn từ ô nhiễm không khí, tiếp xúc với bức xạ cực mạnh và chất độc công nghiệp, và tình trạng gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm và nước. Ung thư phổi, nguyên nhân chính gây tử vong do ung thư trên toàn thế giới, dự kiến sẽ gia tăng do thường xuyên tiếp xúc với các chất dạng hạt trong không khí bị ô nhiễm ngày càng tăng. Ước tính gây ra khoảng 15% các ca mắc mới.
Tuy nhiên, tác động tổng thể của biến đổi khí hậu đối với bệnh ung thư liên quan đến dinh dưỡng rất khó xác định. Một nghiên cứu mô hình toàn diện đã dự đoán hơn nửa triệu ca tử vong liên quan đến khí hậu trên toàn cầu, bao gồm cả tử vong do ung thư, do những thay đổi trong nguồn cung cấp thực phẩm vào năm 2050, chẳng hạn như giảm tiêu thụ trái cây và rau quả.
Tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang làm trầm trọng thêm bất bình đẳng xã hội và kinh tế, dẫn đến tỷ lệ di cư và nghèo đói cao hơn. Các tác giả lưu ý rằng, những người nghèo và cộng đồng người da màu chịu ảnh hưởng không tương xứng bởi bệnh ung thư và có tỷ lệ tử vong do ung thư cao hơn. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng biến đổi khí hậu sẽ đẩy 100 triệu người trên toàn cầu quay trở lại tình trạng nghèo đói vào năm 2030.
Những gián đoạn lớn dự kiến cũng sẽ xảy ra đối với cơ sở hạ tầng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe kiểm soát ung thư và có thể ảnh hưởng đến tất cả các bệnh ung thư. Đại dịch COVID-19 là một ví dụ rõ ràng về sự gián đoạn này, khiến nguồn lực y tế không đủ phục vụ cho bệnh nhân ung thư và khiến hàng nghìn bệnh nhân phải trì hoãn việc khám sàng lọc ung thư vì sợ nhiễm virus.
“Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão và lũ lụt có thể phá hủy hoặc làm hỏng cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, làm giảm chất lượng và khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Những sự kiện này cũng làm gián đoạn việc cung cấp các dịch vụ khi gây ra tình trạng thiếu điện, gián đoạn chuỗi cung ứng, vận chuyển và thông tin liên lạc, và dẫn đến tình trạng thiếu nhân viên. Trớ trêu thay, COVID-19 cũng hé lộ ra tia hy vọng trong việc đảo ngược các thiệt hại”, tác giả nghiên cứu nói.
Hiatt nói: “Phản ứng sớm của đại dịch đã dẫn đến giảm ô nhiễm không khí một cách đáng kể, cho thấy tiềm năng của các biện pháp mạnh dẫn đến sự thay đổi môi trường nhanh chóng”.
Có thể mất nhiều thập kỷ để hiểu đầy đủ tác động của biến đổi khí hậu đối với bệnh ung thư, do thời gian tiếp xúc với chẩn đoán lâm sàng đôi khi kéo dài. Nhưng các tác giả cho rằng điều đó không nên ngăn cản hành động ngay bây giờ, vì các tác động có hại từ ô nhiễm không khí và các rủi ro khí hậu khác sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian đó.
“Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm để giảm thiểu biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động của bệnh ung thư. Chúng ta nên hành động cả hai cùng lúc và hết sức khẩn trương”, Naomi Beyeler, MPH, đồng Giám đốc sáng kiến bằng chứng về chính sách và dẫn đầu về Khí hậu và Sức khỏe, Khoa học Y tế Toàn cầu, Viện UCSF, cho biết.
Bằng cách giảm thiểu ô nhiễm, tử vong do ung thư phổi có thể giảm, và có nhiều giải pháp lâm sàng, hành vi và chính sách để làm chậm biến đổi khí hậu, ngăn ngừa các ca ung thư và tử vong.
“Đại dịch COVID-19 đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của khoa học và sức khỏe cộng đồng, và trong những tháng qua, chúng tôi thấy rằng với tư cách là một cộng đồng y tế toàn cầu, chúng tôi có thể huy động các khoản đầu tư, nghiên cứu và hành động tập thể. cần thiết để giải quyết các vấn đề sức khỏe trên quy mô toàn cầu. Giờ là lúc áp dụng tham vọng này để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu”, Beyeler nhấn mạnh thêm.
P.T.T (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2020-11-climate-cancers.html, 5/11/2020