Biến tế bào khối u thành tế bào mỡ để ngăn chặn di căn trong ung thư vú
Cập nhật vào: Thứ hai - 21/01/2019 09:46
Cỡ chữ
Các nhà khoa học đã phát triển thành công một loại thuốc kết hợp mới có tác dụng làm cho các tế bào ung thư vú xâm lấn biến thành tế bào mỡ. Phương pháp điều trị này đã ngăn ngừa di căn ở chuột.
Nghiên cứu mới đã tìm ra cách ngăn chặn ung thư vú lan rộng
Di căn là quá trình mà các tế bào ung thư thoát ra khỏi khối u nguyên phát và phát triển thành khối u mới, hoặc di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể. Hơn nữa, một số tế bào ung thư có khả năng xâm nhập vào các thành mạch bạch huyết hoặc mạch máu, sau đó chúng có thể lưu thông qua các mạch máu (tuần hoàn các tế bào khối u) đến các vị trí và mô khác trong cơ thể. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư.
Giờ đây các nhà nghiên cứu Trường Đại học Basel (Thụy Sĩ) đã tìm ra một cách có thể giúp ngăn chặn sự di căn trong ung thư vú.
Thay vì cho phép các tế bào ung thư vú phát triển và di chuyển, họ “thúc ép” chúng biến thành các tế bào mỡ không phân chia hoặc không di chuyển được.
Công trình nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Cancer Cell mới đây.
“Trong tương lai, phương pháp trị liệu sáng tạo này có thể được sử dụng kết hợp với hóa trị liệu thông thường để ngăn chặn cả sự phát triển khối u nguyên phát và sự hình thành di căn chết người”, tác giả nghiên cứu cao cấp Gerhard Christofori, giáo sư của Khoa Sinh học.
Quá trình di căn phức tạp bao gồm một chuỗi các giai đoạn mà các nhà khoa học thường gọi là “trạng thái di căn”. Có ba giai đoạn chính trong di căn đó là: xâm lấn, trong đó các tế bào ung thư tách ra khỏi môi trường khối u nguyên phát; nội mạch (các tế bào ung thư đi vào mạch máu); và ngoại mạch (tế bào ung thư họ thoát khỏi các mạch máu). Các tế bào ung thư đảm nhận các tính chất khác nhau để hoàn thành từng giai đoạn này.
Trong giai đoạn đầu tiên, các tế bào mất khả năng bám dính vào nhau và vào môi trường xung quanh chúng, cho phép chúng tách ra khỏi mô khối u nguyên phát.
Trong trường hợp ung thư vú và các bệnh ung thư khác bắt nguồn trong biểu mô, các bác sĩ xem xét đến sự thay đổi mà các tế bào khối u trải qua trong quá trình di căn đó là sự chuyển tiếp biểu mô-trung mô (EMT). EMT là quá trình mà các tế bào biểu mô biến đổi thành các tế bào trung mô, có liên quan đến ung thư di căn tích cực. EMT cũng xảy ra trong phôi đang phát triển. Tuy nhiên, trong ung thư, EMT không giúp hình thành các cơ quan mới mà là các khối u mới.
Ở phụ nữ, ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất. Ước tính từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy rằng khoảng 2,1 triệu phụ nữ được chẩn đoán ung thư vú mỗi năm. Năm 2018 có đến 627.000 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này.
Phần lớn các trường hợp tử vong do ung thư vú là do ung thư lan rộng và hình thành các khối u mới ở các bộ phận khác của cơ thể. Giáo sư Christofori và nhóm của ông đã nghiên cứu các quá trình phân tử EMT và tình trạng di căn của khối u. Bằng cách sử dụng các tế bào người và mô hình chuột, họ nhận thấy rằng họ có thể khai thác quá trình này để biến các tế bào ung thư thành tế bào mỡ với sự kết hợp đặc biệt của các hợp chất. Các tế bào mỡ mới hình thành rất giống với các tế bào mỡ bình thường và không thể phân chia và sinh sôi nảy nở. Các tác giả lưu ý rằng, điều này dẫn đến ngăn chặn sự xâm lấn của khối u nguyên phát và sự hình thành di căn.
Các hợp chất dùng trong nghiên cứu này là thuốc trị tiểu đường rosiglitazone và trametinib, một loại thuốc có thể ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của các tế bào khối u.
Khám phá này có thể mở ra hướng nghiên cứu sâu hơn trong điều trị bệnh ung thư.
P.T.T (NASATI), theo https://www.medicalnewstoday.com/articles/324, 17/01/2019
nhà khoa học, phát triển, thành công, kết hợp, tác dụng, làm cho, tế bào, ung thư, phương pháp, ngăn ngừa, nghiên cứu, ngăn chặn, quá trình, khối u, di chuyển, bộ phận, cơ thể, hơn nữa, khả năng, xâm nhập, bạch huyết