Các mảnh virus SARS-CoV-2 được tìm thấy trong phân của bệnh nhân sau khi mắc COVID-19
Cập nhật vào: Thứ hai - 25/04/2022 12:01 Cỡ chữ
Một nghiên cứu mới từ các nhà khoa học tại Đại học Stanford-Hoa Kỳ đã phát hiện ra một số bệnh nhân COVID-19 có thể thải ra những mảnh vi-rút trong phân của họ lên đến 7 tháng sau lần nhiễm bệnh đầu tiên. Nhóm tác giả đưa ra giả thuyết về sự tồn tại của dạng vi-rút trong ruột có thể đóng một vai trò nào đó trong các triệu chứng COVID kéo dài.
Trong vài tháng đầu tiên của đại dịch, khi loại coronavirus mới SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng, hầu hết mọi người đều nghĩ COVID-19 là một bệnh hô hấp đơn giản. Tuy nhiên, khi năm 2020 các nhà khoa học tìm hiểu thêm về căn bệnh mới này, rõ ràng là nhiều bệnh nhân COVID-19 đang gặp các vấn đề nghiêm trọng về đường tiêu hóa.
Khoảng 1/5 bệnh nhân COVID-19 báo cáo các vấn đề về đường ruột bao gồm buồn nôn; tiêu chảy và đau dạ dày. Nhưng vào thời điểm đó, người ta không hoàn toàn rõ liệu các triệu chứng tiêu hóa này là do vi-rút lây nhiễm trực tiếp vào ruột hay chỉ đơn giản là kết quả của tình trạng viêm toàn thân nói chung.
Hiện tại, SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm sang các tế bào ruột nhưng điều chưa rõ ràng là những tác hạt vi-rút có thể tồn tại trong ruột bao lâu sau khi bị nhiễm trùng cấp tính. Ở nghiên cứu mới này đã theo dõi 113 bệnh nhân mắc COVID-19 từ nhẹ đến trung bình trong tối đa 10 tháng. Kết quả cho thấy dấu vết của RNA virus SARS-CoV-2 trong phân của chỉ dưới 50% nhóm thuần tập trong vòng một tuần kể từ khi họ được chẩn đoán ban đầu. Bốn tháng sau, 12,7% bệnh nhân vẫn thải ra các mảnh vi-rút trong phân của họ, và bảy tháng sau, 4% vẫn cho thấy RNA của vi-rút.
Các nhà khoa học thận trọng nhấn mạnh rằng mảnh vi-rút được phát hiện không phải là các hạt vi-rut lây nhiễm. Vì vậy, nghiên cứu này hoàn toàn không cho thấy đây là một con đường lây truyền mới cho COVID-19. Thay vào đó, các phát hiện cung cấp thêm bằng chứng SARS-CoV-2 lây nhiễm trực tiếp vào các tế bào trong ruột. Và sự tồn tại của những hạt vi-rút trong ruột được giả thuyết là có khả năng đóng một vai trò nào đó trong các triệu chứng kéo dài liên quan đến COVID.
Tác giả nghiên cứu Ami Bhatt cho biết: “Không ai thực sự biết nguyên nhân gây ra COVID kéo dài, nghiên cứu này cho thấy SARS-CoV-2 có thể ẩn náu trong ruột trong nhiều tháng. Có thể COVID kéo dài và nhiều triệu chứng mà nó gây ra là do phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với các protein của vi-rút trong những ổ chứa ẩn trong cơ thể”. Nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết các triệu chứng tiêu hóa thường thấy ở những bệnh nhân COVID có thể là phản ứng viêm do sự hiện diện kéo dài của những hạt virus SARS-CoV-2 trong ruột. Tất cả chỉ là suy đoán ở giai đoạn này nhưng thực tế là một số lượng đáng kể các trường hợp COVID nhẹ vẫn phát tán hạt vi-rút vài tháng sau khi bị nhiễm trùng là bằng chứng cho thấy vi-rút có thể tồn tại ở các bộ phận khác của cơ thể.
Nghiên cứu mới cũng đặt ra câu hỏi về tính xác thực của việc sử dụng giám sát nước thải như một cách để theo dõi sự phổ biến của SARS-CoV-2 ở một thành phố hoặc quận. Tác giả nghiên cứu cho biết nếu mức độ vi-rút trong nước thải sẽ được sử dụng để xác định những quyết định về sức khỏe cộng đồng thì điều quan trọng là phải hiểu động lực lâu dài của sự phát tán vi-rút.
Tác giả nghiên cứu Ami Bhatt Bhatt cho biết thêm: “Chúng tôi đang thấy rõ lượng lớn và ngày càng tăng của biến thể phụ của Omicron BA.2 trong nước thải. Vậy, sự gia tăng lượng nước thải này có thực sự tỷ lệ thuận với số người mắc bệnh? Hay có nhiều người thải vi-rút trong phân của họ lâu hơn?” Tất nhiên, sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn để cố gắng trả lời những câu hỏi này nhưng nghiên cứu mới này cung cấp bằng chứng rõ ràng rằng sự phát tán kéo dài của SARS-CoV-2 RNA trong phân có thể kéo dài hàng tháng sau khi bệnh nhân mắc covid ở thể nhẹ.
Kết quả đã được công bố trên tạp chí Med.
Đ.T.V (NASATI), theo https://newatlas.com/health-wellbeing/sarscov2-feces-months-after-mild-covid-viral-rna/, 19/4/2022