Các nhà nghiên cứu khám phá cách ngăn chặn cơn nghiện
Cập nhật vào: Thứ tư - 22/06/2022 14:05 Cỡ chữ
Theo các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ, một kỹ thuật mới có thể giúp người nghiện vượt qua những cơn nghiện khó khăn nhất. Thuốc, rượu, ma túy… Các chất gây nghiện rất nhiều nhưng các phương pháp điều trị hiệu quả là rất hiếm. Nhưng trong một nghiên cứu mới được công bố ngày 13/6/2022 trên tạp chí Nature Medicine, các nhà khoa học Hoa Kỳ và Thụy Điển tuyên bố đã tìm ra cách chấm dứt cơn nghiện: kích thích não bộ.
Để đưa ra kết luận này, họ đã quan sát những bệnh nhân đột nhiên muốn bỏ thuốc sau khi bị đột quỵ. Các tác giả nghiên cứu đã tìm thấy các tổn thương ở ít nhất một trong ba khu vực của não, đó là vỏ não trán lưng bên, vỏ não trước trán bên và vỏ não trong. Theo họ, sẽ có một con đường thần kinh cụ thể có thể dẫn đến "sự thuyên giảm cơn nghiện".
Dựa trên một cơ sở dữ liệu có tên "human connectome", các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc thiết lập mối liên hệ giữa các mạch của não và chứng nghiện. Do đó, để cai nghiện thuốc lá, cần phải nhắm vào một khu vực cụ thể của não và gây ra các tổn thương trong đó.
Hiện nay, trong số các phương pháp điều trị cai nghiện, có kích thích từ xuyên sọ (TMS) là kỹ thuật dùng các xung từ tính sóng ngắn xuyên qua xương sọ để kích thích các tế bào thần kinh, mục đích là làm thay đổi chức năng điện thần kinh của vùng não tương ứng. Từ năm 1985, nhiều nghiên cứu về TMS đã được tiến hành trong điều trị một số bệnh thần kinh như: Parkinson, đau nửa đầu, ù tai...hay các bệnh lý tâm thần như: Ảo thính ở người tâm thần phân liệt, trầm cảm... Thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu cũng đã tập trung vào việc sử dụng các xung TMS tái lặp để điều trị cho người bị trầm cảm nặng, rối loạn nhận thức, ảo thính trong tâm thần phân liệt, ám ảnh cưỡng chế hay stress sau chấn thương.
Kích thích từ xuyên sọ là kỹ thuật không xâm lấn, không cần phẫu thuật hoặc cấy ghép điện cực. Hiện nay, TMS đã cho thấy tiềm năng chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ở hệ thống thần kinh trung ương.
Trong khi Hoa Kỳ đã công nhận TMS như một công cụ điều trị, thì tại một số nước khác như Pháp, loại kỹ thuật này vẫn còn ít được sử dụng.
P.A.T (NASATI), theo https://www.santemagazine.fr/, 19/6/2022