Chuyển đổi năng lượng và lưới điện: cần đầu tư mạnh mẽ ngay từ bây giờ
Cập nhật vào: Thứ ba - 12/11/2024 12:03 Cỡ chữ
Quá trình chuyển đổi năng lượng đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống lưới điện. Lượng điện tiêu thụ phải được cân bằng với lượng điện sản xuất để duy trì tần số ổn định – thường là 50Hz. Khi một thiết bị được bật lên, lưới điện cần ngay lập tức điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu, và các nhà điều hành lưới phải giám sát, điều chỉnh liên tục để tránh những tình trạng mất cân bằng có thể dẫn đến sự cố rã lưới. Hệ thống điện truyền thống như nhiệt điện hoặc thủy điện có khả năng duy trì ổn định tốt hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời, vì chúng dễ dàng điều chỉnh theo nhu cầu.
Lưới điện hiện tại của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào nhiệt điện (46%) và thủy điện (30%), trong khi năng lượng tái tạo chỉ chiếm 14% nguồn cung. Tuy nhiên, theo Quy hoạch điện 8, tỷ trọng năng lượng tái tạo dự kiến sẽ đạt tới 30-40% vào năm 2030. Năng lượng tái tạo như gió và mặt trời thường tập trung ở các khu vực xa nơi tiêu thụ điện lớn, đòi hỏi phải xây dựng thêm nhiều kết nối và đường truyền tải dài hơn, đồng thời tăng cường hệ thống trạm biến áp và đường dây.
Ngoài ra, các nguồn năng lượng tái tạo thường không liên tục, tạo ra những khoảng trống trong nguồn cung. Điều này làm tăng nhu cầu về hệ thống lưu trữ năng lượng và các biện pháp quản lý nhu cầu sử dụng điện.
Việc quản lý nhu cầu điện là cần thiết để giảm thiểu áp lực lên lưới. Những biện pháp như khuyến khích sử dụng điện vào ban đêm hoặc điều chỉnh hoạt động công nghiệp theo tín hiệu từ lưới điện sẽ giúp cân bằng giữa cung và cầu. Điều này yêu cầu các thiết bị và lưới điện phải có khả năng truyền thông tin hai chiều và điều chỉnh tự động, đòi hỏi một hạ tầng công nghệ phức tạp và những cải tiến trong chính sách điều hành lưới điện.
Trong giai đoạn 2019-2020, năng lượng tái tạo bùng nổ mạnh mẽ tại Việt Nam, nhưng lưới điện truyền tải lại không được mở rộng kịp thời, dẫn đến nhiều bất ổn và thiệt hại cho các nhà đầu tư. Việt Nam dự kiến cần chi 15 tỷ USD để mở rộng lưới truyền tải từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, các nhà tư vấn Đan Mạch làm việc cùng với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Việt Nam tính toán rằng con số có thể cao hơn khoảng 1,4 lần vào năm 2030 nếu Việt Nam theo đuổi kịch bản phát thải ròng bằng không (Net Zero). Trong bối cảnh này, hệ thống truyền tải điện phải mở rộng gấp hai lần so với hiện nay.
Nhưng liệu chúng ta có kịp tiến độ thời gian cho mục tiêu đó? Để so sánh, Việt Nam cần xây mới 12.300km đường dây 500kV, chưa kể đến việc xây mới các trạm biến áp và tu sửa các đường dây sẵn có. Con số này gấp 24 lần đường dây 500kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch-Phố Nối vừa hoàn thành và được ca tụng là một kỷ lục với "thời gian thi công thần tốc" trong vòng 7 tháng.
Để đạt được kết quả đặc biệt này, cả một hệ thống chính trị từ Thủ tướng đến cấp chính quyền địa phương đã phải theo sát gắt gao và gỡ rối các vướng mắc pháp lý ngay khi phát sinh. Nếu cùng tiến độ, để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2030 thì mỗi năm Việt Nam phải xây dựng được 4 đoạn dây truyền tải điện như vậy. Việc này chỉ có thể thành hiện thực khi chính phủ và các cơ quan quản lý thực hiện một cuộc cải cách sâu rộng trong cách tiếp cận các dự án lưới điện, đặc biệt là cắt giảm thủ tục hành chính và đẩy nhanh quá trình cấp phép để mở rộng và củng cố lưới điện. Thậm chí, họ phải nghĩ đến các biện pháp khuyến khích tư nhân tham gia.
Thực tế, các nhà đầu tư tư nhân đang không mặn mà với lĩnh vực này. Luật Điện lực sửa đổi năm 2022 đã mở đường cho khả năng tư nhân đầu tư vào lưới truyền tải, nhưng với “giá” truyền tải thấp như hiện nay - ở ngưỡng 80 đồng/kWh - thì cả đơn vị dùng vốn Nhà nước lẫn tư nhân đều thực sự không có động lực. Giá truyền tải do Nhà nước quy định và việc điều chỉnh phụ thuộc giá bán lẻ cuối cùng, tức giá bán lẻ tăng thì mới trở lại tính giá truyền tải. Hơn nữa, Việt Nam vẫn thiếu các hướng dẫn cụ thể và những cơ chế chuyển giao hệ thống truyền tải tư nhân đầu tư cho Nhà nước quản lý, nên ở thời điểm hiện tại, chưa có doanh nghiệp tư nhân nào tham gia vào cuộc xây lưới điện.
P.A.T (tổng hợp)