Cơ sở hạ tầng của EU cho chứng chỉ COVID sẽ sẵn sàng từ tháng 6
Cập nhật vào: Thứ tư - 26/05/2021 00:02 Cỡ chữ
Cơ sở hạ tầng cho chứng chỉ tiêm chủng kỹ thuật số cho phép người dân của Liên minh châu Âu (EU) di chuyển tự do sẽ sẵn sàng từ ngày 1 tháng 6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết hôm 25/5/2021.
Bà Von der Leyen cho biết sau hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của khối 27 quốc gia ở Brussels rằng 300 triệu liều vắc-xin đã được phân phối và 245 triệu liều đã được sử dụng trong EU. Các nước thành viên có thể kết nối với hệ thống từ giữa tháng 6 và họ phải chuẩn bị bằng cách đảm bảo hệ thống y tế quốc gia của họ được cung cấp thông tin. "Tôi nghĩ chứng chỉ là một cơ hội duy nhất để thể hiện cách Liên minh châu Âu đóng góp cụ thể vào cuộc sống hàng ngày của mọi người. Vì vậy, tất cả chúng ta phải góp phần làm cho nó thành hiện thực", bà nói trong một cuộc họp báo.
Von der Leyen cho biết: "Chúng tôi đang trên đà đạt được mục tiêu là có đủ liều lượng vắc xin để tiêm chủng cho 70% dân số trưởng thành ở Liên minh châu Âu vào cuối tháng 7. Nếu tiếp tục như vậy, chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ có thể mở cửa trở lại một cách an toàn".
Sau khi thảo luận về "tiến trình ổn định" trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày, các nhà lãnh đạo EU cam kết tiếp tục nỗ lực "để tăng năng lực sản xuất vắc xin toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu toàn cầu".
Tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí tài trợ ít nhất 100 triệu liều vắc xin COVID-19 cho các nước nghèo hơn vào cuối năm nay, bà Von der Leyen nói với giới truyền thông sau cuộc họp. Theo bà Von der, các khoản quyên góp là "rất cần thiết" vì Viện Huyết thanh của Ấn Độ đã tạm dừng tất cả các hoạt động xuất khẩu vắc-xin của nước này theo chương trình COVAX cho đến cuối năm nay. Chương trình COVAX nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng đối với các mũi tiêm COVID-19 cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Bà Von der cho biết các nhà sản xuất vắc xin BioNTech-Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson đã cam kết cung cấp 1,3 tỷ liều vắc xin vào năm 2021 phi lợi nhuận cho các nước thu nhập thấp và với chi phí thấp cho các nước thu nhập trung bình. Ngoài ra, EU đang tìm cách đầu tư 1 tỷ euro để phát triển sản xuất vắc xin ở châu Phi.
P.A.T (NASATI), theo http://www.xinhuanet.com/english/2021-05/26/c_139969450.htm, 25/5/2021