Đề xuất đánh giá mới thảo dược Tây Tạng như một phương pháp điều trị tiềm năng cho suy giảm nhận thức nhẹ
Cập nhật vào: Thứ ba - 10/12/2024 12:08 Cỡ chữ
Trong y học Tây Tạng, thảo dược Terminalia chebula (T. chebula) nổi tiếng với các công dụng trị liệu đa dạng. Công dụng của nó đối với vi khuẩn, vi-rút, oxy hóa, viêm nhiễm, đường huyết và khối u đã được nêu rõ trong các tài liệu cổ điển cũng như nghiên cứu hiện đại, và được kê đơn cho nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau.
Tuy nhiên, liệu T. chebula có thể trở thành một phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả cho suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) hay không vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Như một bước đi ban đầu, một nhóm nghiên cứu đã tiến hành tổng quan tài liệu từ năm 1990 đến 2024 để đánh giá tiềm năng của loại thảo dược này trong nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực này.
Nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học từ Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc tại Thành Đô, Trung Quốc, và các cơ sở như Đại học Dược, Bệnh viện Meishan, Trường Y học Dân tộc, và Viện Nghiên cứu Y học Cổ truyền kết hợp với Y học Tây.
Suy giảm nhận thức nhẹ được coi là giai đoạn trung gian giữa các dấu hiệu lão hóa bình thường và chứng mất trí nhớ. Nếu không được điều trị, nó có thể tiến triển thành bệnh Alzheimer, nguyên nhân phổ biến nhất của chứng mất trí. Đánh giá này cũng lưu ý, "ngoài ra, việc sống ở môi trường cao độ, ít oxy như Tây Tạng có thể gây rối loạn nhận thức và thay đổi cấu trúc não, đặc biệt là ở độ cao trên 4.000 mét”.
Theo Hiệp hội Alzheimer, bệnh Alzheimer là nguyên nhân tử vong đứng thứ năm ở người trên 65 tuổi tại Mỹ tính đến năm 2021. Hiện tại, khoảng 7 triệu người ở Mỹ sống với bệnh Alzheimer, và con số này dự kiến sẽ tăng gần 13 triệu vào năm 2050.
Theo đánh giá, y học cổ truyền Tây Tạng, phát triển và thực hành qua hàng ngàn năm, coi MCI là một dạng mất trí nhớ, thuộc hội chứng Jie Xie, “liên quan đến sự rối loạn của 'Long' (cơ sở của tuần hoàn, năng lượng và tư duy), bao gồm tim yếu, lo âu và lo lắng quá mức”. Y học Tây Tạng đối phó với các bệnh liên quan đến tuổi tác bằng cách ngăn ngừa lão hóa và bổ dương (một lực sinh học tiêu cực, mở rộng) để điều chỉnh rối loạn 'Long' và khôi phục sự cân bằng của cơ thể.
T. chebula có nguồn gốc từ quả khô của một loại cây rụng lá thuộc họ Combretaceae, mọc ở nhiều vùng của Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Myanmar. Loại thảo dược này thường được kết hợp với các loại thảo dược khác để điều trị từ hen suyễn, viêm phế quản đến cholesterol cao và huyết áp cao, từ các vấn đề về da đến rối loạn tiêu hóa, tăng cường đề kháng với nhiễm trùng và miễn dịch. Đáng chú ý, các nghiên cứu được công bố vào năm 2011 và 2020 cho thấy khả năng bị trầm cảm cao hơn ở những bệnh nhân bị MCI so với những người có chức năng nhận thức bình thường. Ngoài ra, nghiên cứu năm 2021 cũng cho thấy chiết xuất ethanol từ T. chebula có tác dụng giống như thuốc chống trầm cảm và thuốc chống lo âu ở chuột, giảm mức độ monoamine oxidase (MAO-A), một enzyme liên quan đến nhiều rối loạn tâm thần, bao gồm bệnh Alzheimer, trầm cảm và rối loạn tăng động giảm chú ý. Dựa trên những kết quả này, đánh giá mới đánh giá hồ sơ hóa học của T. chebula với 171 thành phần, bao gồm flavonoid, axit phenolic, tannin, triterpenoid, hợp chất dễ bay hơi và các chất khác, và xem xét khả năng của chúng trong điều trị MCI. Nhóm nghiên cứu tin rằng tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, kháng vi-rút và hạ đường huyết của T. chebula có thể giúp giảm các triệu chứng MCI.
Nhóm nghiên cứu viết, “Các tác dụng bảo vệ thần kinh của T. chebula xuất phát từ các đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ của nó. Nó bảo vệ tế bào thần kinh khỏi stress oxy hóa và độc tính thần kinh, giảm viêm tế bào thần kinh và hỗ trợ tính dẻo synap, đồng thời tăng cường lưu lượng máu não”.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng cần có thêm nghiên cứu để khám phá các thành phần hóa học cụ thể của thảo dược này và xác định tiêu chuẩn chất lượng của nó và khuyến nghị các nghiên cứu trong tương lai nên tập trung giải quyết các thách thức trong điều trị MCI và cho rằng T. chebula hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích cho bệnh nhân, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com/, 11/2024