HỢP CHẤT TÌM THẤY TRONG LOÀI BỌT BIỂN CÓ THỂ CHỮA UNG THƯ
Cập nhật vào: Thứ hai - 20/04/2020 08:24 Cỡ chữ
Một phân tử có tên là manzamine A trong loài bọt biển được tìm thấy ở Vịnh Manado, Inđônêxia, cho thấy khả năng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư cổ tử cung. Các kết quả của công trình nghiên cứu hợp tác giữa Trường Đại học Y South Carolina (MUSC) với các sinh viên và các nhà nghiên cứu Trường Đại học South Carolina (UofSC), Đại học Charleston, Đại học Gadjah Mad tại Indonesia và Đại học Malaya tại Malaixia đã được công bố trên tạp chí Journal of Natural Products mới đây.
Tiến sĩ khoa học dược Mark Hamann, Trường Đại học Y South Carolina, chuyên nghiên cứu các tiềm năng điều trị của các sản phẩm tự nhiên. Nguồn: Sarah Pack, Đại học Y South Carolina.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ước tính sẽ có khoảng 13.800 ca được chẩn đoán mới mắc bệnh ung thư cổ tử cung và khoảng 4.290 trường hợp sẽ bị tử vong vào năm 2020. Mặc dù các xét nghiệm Pap và tiêm phòng vắc-xin HPV đã giúp giảm số ca tử vong do ung thư cổ tử cung, nhưng bệnh ung thư cổ tử cung vẫn là căn bệnh ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ.
Nghiên cứu MUSC-UofSC đã thực hiện kiểm tra tác dụng chống tăng trưởng và tiêu diệt tế bào ung thư của manzamine A trong bốn dòng tế bào ung thư cổ tử cung khác nhau. Kết quả thu được cho thấy, Manzamine A đã ngăn chặn các tế bào ung thư cổ tử cung phát triển và khiến một số tế bào chết nhưng không có tác dụng tương tự đối với các tế bào bình thường, không gây ung thư.
Mark T. Hamann, tiến sĩ dược học Khoa khám phá thuốc và khoa học y sinh tại MUSC, đồng tác giả bài báo cho biết: “Đây là một ứng dụng mới, rất thú vị đối với một loại phân tử mà trước đây nó đã cho thấy có tiềm năng lớn trong việc kiểm soát bệnh sốt rét và có đặc tính giống như thuốc”.
“Các sản phẩm tự nhiên đã đưa đến sự phát triển của hầu hết các loại thuốc kháng sinh, liệu pháp chống ung thư và nhiều biện pháp kiểm soát cơn đau”, Hamann giải thích.
Một đồng tác giả khác của nghiên cứu là tiến sỹ Dev Karan, cựu phó giáo sư tại UofSC, hiện đang công tác tại Khoa bệnh lý học, Trường Đại học Y, Wisconsin.
Trong các nghiên cứu trước đó, nhóm của Hamann đã xác định được các hợp chất có nguồn gốc từ bọt biển có hiệu quả chống lại khối u ác tính cũng như ung thư tuyến tiền liệt và tuyến tụy. Manzamine A cũng có hiệu quả chống lại ký sinh trùng gây ra bệnh sốt rét. Một số chất tương tự của nhóm thuốc độc đáo này hiện đang được xem là “ứng cử viên” để kiểm soát COVID-19, căn bệnh do coronavirus mới gây ra.
Trong báo cáo hiện tại, manzamine A làm giảm mức độ biểu hiện của một protein được biết là có biểu hiện cao ở một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư cổ tử cung và khiến tình trạng bệnh xấu hơn.
Các mô hình máy tính cho thấy manzamine A “tác động” tương tự như các chất ức chế protein đã từng được biết đến, tuy nhiên manzamine A có tác dụng mạnh hơn 10 lần trong việc ức chế các protein có vấn đề.
Các mô hình máy tính cho thấy manzamine A đã tác động giống như các chất ức chế protein từng được nghiên cứu và sử dụng cho bệnh nhân ung thư nhưng mạnh gấp 10 lần so với những thứ được biết trước đây.
Theo Hamann, hiện một số đơn đăng ký sáng chế manzamine A đã được nộp, và một công ty khởi nghiệp rất quan tâm đến nghiên cứu này.
Bước tiếp theo, nhóm nhiên cứu sẽ thiết lập các nghiên cứu tác dụng của manzamine A trên lâm sàng.
“Mục tiêu hiện giờ của chúng tôi là đảm bảo rằng manzamine A hoạt động hiệu quả trên động vật thí nghiệm và sau đó sẽ cố gắng phát triển và đưa vào các ứng dụng lâm sàng”, Hamann nói.
Mặc dù các phân tử này có thể được tổng hợp trong phòng thí nghiệm, tuy nhiên Hamann không nghĩ đó là quá trình tổng hợp tốt nhất.
“Hầu hết các vật liệu ban đầu để tổng hợp trong phòng thí nghiệm đều có nguồn gốc từ dầu mỏ. Ngược lại, các loài bọt biển trong môi trường sống tự nhiên của chúng có thể nuôi được thành công và không giống như các hình thức nuôi trồng thủy sản khác, nó có thể làm sạch môi trường. Do đó, việc sản xuất các phân tử này từ bọt biển trong môi trường được nuôi cũng rất tốt, và công việc này cũng tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho vùng nông thôn Inđônêxia”. Ông giải thích.
Hamann cho rằng, việc bảo tồn sự đa dạng loài là vô cùng quan trọng, giống như bảo tồn sự đa dạng của các hóa chất mà các loài tạo ra và cả những cơ hội điều trị ung thư mà chúng mang lại. Nếu biến đổi khí hậu vẫn không được kiểm soát, dự đoán là chúng ta có thể mất 1/3 sự đa dạng loài trên toàn cầu. Điều này có thể khiến chúng ta mất đi các cơ hội tìm kiếm các chất tiềm năng mới.
P.T.T (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2020-04-sponges-cancer.html, 4/4/2020