Hợp tác nghiên cứu quốc tế về virut cúm và trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis
Cập nhật vào: Thứ hai - 09/09/2019 08:26 Cỡ chữ
Virut cúm được chia làm 3 loại A, B và C trong đó virut cúm A có độc lực và khả năng biến chủng cao nhất, chính điều này chúng thường gây nên các đại dịch lớn trên thế giới. Từ năm 1918 đại dịch cúm do virut cúm A/ H1N1 gây chết 40 triệu người, năm 1957 virut cúm A/H2N2 gây chêt từ 1-1,5 triệu người, năm 1968 virut H3N2 gây chết khoảng 750 nghìn người. Virut cúm A/H5N1 xuất hiện đầu tiên tại Hồng Kông năm 1997 gây nhiễm cho 18 người, trong đó có 6 người tử vong, bệnh có liên quan chặt chẽ với dịch cúm gia cầm. Tại Việt Nam từ tháng 12/2003 đến nay đã xuất hiện những đợt dịch cúm gia cầm (cúm A/H5N1) trên 64 tỉnh trong cả nước tiêu huỷ hàng trăm triệu con gia cầm. Dịch trên người xảy ra ở nhiều tỉnh thành phố với 93 trường hợp mắc bệnh và 42 trường hợp tử vong. Năm 2009, một đợt đại dịch mới lại xuất hiện với chủng H1N1 swine, chúng có tốc độ lây lan nhanh chóng trong cộng đồng trên toàn thế giới.
Bệnh nhiễm virut cúm A/H1N1 là bệnh cấp tính đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài. Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa chảy), đặc biệt ở trẻ em. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.
Các nghiên cứu ở mức độ in vitro, in vivo với virut cúm A/H1N1, H5N1 được thực hiện ở nhiều công trình trên thế giới trong việc tìm hiều về cơ chế tác động cũng như vai trò của chúng tác động lên con người đồng thời tìm ra vaccine hay các loại thuốc biệt dược trong phòng chống bệnh cúm. Các nghiên cứu trong nước chủ yếu là các nghiên cứu chẩn đoán căn nguyên virut và xác định các dưới nhóm (subtype) bên cạnh đó các nghiên cứu về kháng nguyên bề mặt … Tuy nhiên, các nghiên cứu ở 40 nước ta vẫn chưa nhiều đặc biệt ở mức độ in vitro với biểu hiện của trật tự của các cytokine/chemokine trong tế bào khi có gây nhiễm với virut cúm A/H1N1. Tìm hiểu về cơ chế biểu hiện các cytokine/chemokine trong tế bào sẽ xây dựng được bức tranh hoàn thiện về sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể khi có sự xâm nhập của virut cúm A/H1N1 từ đó làm nền tảng cơ bản trong việc phát triển các loại biệt dược có tác dụng chống lại độc lực của virut và loại virut khỏi cơ thể giúp cứu sống người bệnh. Bệnh viện Nhi Trung ương là một đơn vị có áp dụng các kỹ thuật chẩn đoán sinh học phân tử trong xác định các căn nguyên gây bệnh về mặt lâm sàng bên cạnh đó vẫn tiến hành các nghiên cứu để phục vụ lâm sàng, việc đưa các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản trong bệnh viện sẽ làm tiền đề phát triển các nghiên cứu sâu hơn trong thử nghiệm lâm sàng. Điều này sẽ mang lại hiệu quả trong điều trị đồng thời nâng cao năng lực của cán bộ và học viên nghiên cứu. Bên cạnh bệnh do virus cúm gây ra, bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm, không chỉ tác động đến sức khỏe cộng đồng mà còn có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội. Nguyên nhân gây bệnh lao là vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis. Vi khuẩn lao chủ yếu gây bệnh ở phổi (80 – 85%), lây truyền từ người này sang người kia qua đường hô hấp. Việt Nam là một trong 22 nước có gánh nặng lao cao. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2012, Việt Nam có tổng số hơn 100.000 bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị trong năm 2011, trong đó 72% là lao phổi AFB (+), nghĩa là phát hiện được trực khuẩn lao trong đờm. Bản thân trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis là một yếu tố quan trọng gây nên hình thái bệnh; chúng bao gồm nhiều chủng khác nhau, có chủng lại phân nhóm nhỏ hơn thành các dưới nhóm (hoặc dưới chủng). Các nghiên cứu cho thấy một số nhóm/dưới nhóm trực khuẩn lao có thể làm thay đổi đáp ứng điều trị trước mắt hoặc lâu dài, thể hiện bằng tỷ lệ thất bại trong điều trị hoặc tái phát sau khi kết thúc điều trị. Trực khuẩn lao cũng có mối liên quan chặt chẽ với kháng thuốc; một số chủng trực khuẩn nhất định có khả năng kháng thuốc cao, kể cả kháng đơn thuốc hoặc kháng đa thuốc [53]. Đặc tính này 41 thậm chí có thể khác nhau tuỳ theo từng dưới nhóm của cùng một chủng trực khuẩn Mycobacterium tuberculosis.
Bệnh viện phổi Đà Nẵng là bệnh viện chuyên ngành lao tại khu vực miền Trung Việt Nam, chịu trách nhiệm triển khai công tác phòng chống lao theo Chương trình Chống lao Quốc gia trên toàn thành phố bao gồm 6 quận nội thành và 1 huyện ngoại thành. Bệnh viện chịu trách nhiệm chỉ đạo tuyến cho 13 tỉnh ở khu vực miền Trung từ Quảng Bình tới Tây Nguyên, và cũng là một trong các điểm được Chương trình Chống lao Quốc gia đưa vào mạng lưới quản lý và điều trị lao đa kháng thuốc mới triển khai những năm gần đây; và chịu trách nhiệm cho các tỉnh/thành Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Tại khu vực TP. Đà Nẵng, hiện chưa có nghiên cứu chính thức nào về sự phân bố các chủng trực khuẩn lao, cũng như các đặc điểm khác của trực khuẩn như tính kháng thuốc, mối liên quan với các yếu tố về lâm sàng và dịch tễ học của bệnh nhân. Đặc biệt, do hạn chế về nguồn lực nên các kỹ thuật tiên tiến hoặc chuyên sâu chưa được áp dụng cho nghiên cứu.
Do đó, TS. Phùng Thị Bích Thuỷ, Trưởng khoa Nghiên cứu sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm cùng cộng sự đã tiến hành nhiệm vụ Hợp tác Quốc tế về Khoa học và Công nghệ theo Nghị định Thư với Nhật Bản và Philipin “Hợp tác nghiên cứu quốc tế về virus cúm và trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis”.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài tập trung vào những nội dung sau:
· Ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử để phân lập gen NS1 của virus cúm A/H1N1 gây nhiễm trên dòng tế bào biểu mô phế nang A549 của người dưới mức độ in vitro, so sánh với Nhật Bản và Philipin.
· Tìm hiểu cơ chế biểu hiện theo trật tự của các cytokine và chemokine trong quá trình gây nhiễm của virut cúm A/H1N1 lên tế bào biêu mô phế nang A459 của người.
· Xác định các nhóm/dưới nhóm trực khuẩn lao đang lưu hành ở TP. Đà Nẵng bằng kỹ thuật sinh học phân tử và các đặc điểm của chúng bao gồm cả tính kháng thuốc, so sánh với Nhật Bản và Philipin.
Sau gần 3 năm thực hiện, đề tài đã đạt được một số kết quả nổi bật, bao gồm:
- Đề tài đã thực hiện được kỹ thuật RT-PCR trong việc phân lập được gen NS1 của virus cúm A/H1N1pdm09 và giải trình tự thành công gen NS1 có kích thước 890bp tương đồng với trình tự NS1 của Đài Loan (Taiwan), New Caledonia (Pháp), Canterbery (Anh), Wellington, so sánh với phía Nhật bản không khác nhau. Nghiên cứu đã thực hiện tạo plasmid pCMV-myc NS1 để gây nhiễm vào tế bào A549 để thực hiện thí nghiệm ở mức độ invitro.
- Tìm hiểu được biểu hiện của các cytokine và chemokine dưới mức độ invitro khi gây nhiễm plasmid pCMV-myc NS1 vào tế bào A549, biểu hiện cytokine và chemokine ở mức độ biểu hiện gen của các cytokine và chemokine như IL-6, IL-8, IFN-α, IFN-β, IFN-γ, Rantes, MCP-1 ở nhóm tế bào gây nhiễm với plasmid NS1 cao hơn so với nhóm tế bào không nhiễm sau 2 ngày và 4 ngày. Kết quả định lượng nồng độ của các cytokine và cytokine IL-6, IL-8, MCP1, Rantes MIP-1β cao hơn trong 2 ngày và 4 ngày đối với tế bào A549 đã gây nhiễm với plasmid NS1.
- Trong nghiên cứu, xác định các nhóm và dưới nhóm trực khuẩn lao đang lưu hành tại thành phố Đà Nẵng bằng kỹ thuật sinh học phân tử cho thấy, vi khuẩn lao nhóm EAI là lưu hành phổ biến nhất, sau đó đến nhóm Beijing. Kết quả này có khác so với nghiên cứu ở Nhật Bản là nhóm Beijing chiếm tỷ lệ cao nhất. Ở Philipin, sự phân bố lại có chiều hướng giống với nghiên cứu của chúng tôi, khi chủng gặp nhiều nhất là thuộc nhóm EAI. Tuy nhiên, lại là chủng EAI đặc hiệu cho Philipin. Các chủng vi khuẩn lao thuộc nhóm Beijing bao gồm cả Beijing cổ và hiện đại có liên quan có ý nghĩa thống kê tình trạng kháng thuốc, nhưng chủ yếu là với kháng SM và kháng bất kỳ thuốc nào trong 4 thuốc hàng một (trừ PZA).
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15041) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia. P.K.L (NASATI)