Kéo dài tuổi thọ nhờ chất béo thực vật
Cập nhật vào: Thứ tư - 28/08/2024 00:12 Cỡ chữ
Một nghiên cứu trên hơn 400.000 người được theo dõi trong vòng 24 năm cho thấy những người ăn chất béo từ thực vật so với động vật có tỷ lệ tử vong thấp hơn đáng kể trong thời gian nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Demetrius Albanes, thuộc Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ dẫn đầu cho biết: Nghiên cứu cho thấy lợi ích của chất béo từ thực vật bao gồm giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tim. Ngược lại, còn "cung cấp bằng chứng cho thấy chế độ ăn nhiều chất béo từ động vật, bao gồm sữa và trứng, có liên quan đến nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và nói chung cao hơn”.
Như các nhà nghiên cứu đã lưu ý, thành phần chất béo có trong các nguồn thực vật-ngũ cốc, rau, đậu hoặc hạt, khác rất nhiều so với chất béo có nguồn gốc từ động vật. Và họ giải thích: "Chất béo có nguồn gốc thực vật được công nhận vì có thành phần axit béo không bão hòa đơn [MUFA] và axit béo không bão hòa đa [PUFA] cao hơn, trong khi chất béo có nguồn gốc động vật được đặc trưng bởi tỷ lệ axit béo bão hòa [SFA] cao hơn".
Cơ thể cần chất béo để sống, nhưng hướng dẫn chế độ ăn uống của Hoa Kỳ cho biết rằng cắt giảm chất béo bão hòa và thay thế chúng bằng chất béo không bão hòa là một động thái lành mạnh. Điều đó sẽ giúp ích cho mọi người như thế nào trong thời gian dài? Để tìm hiểu, nhóm nghiên cứu đã xem xét dữ liệu về chế độ ăn uống và sức khỏe được thu thập từ năm 1995 đến năm 2019 như một phần của Nghiên cứu chế độ ăn uống và sức khỏe AARP của Viện Y tế Quốc gia.
Phân tích bao gồm dữ liệu về 407.531 người lớn có độ tuổi trung bình khoảng 61 khi tham gia nghiên cứu. Mọi người được chia thành năm "quintile" từ 20% nhóm đầu tiêu thụ nhiều chất béo từ thực vật nhất mỗi ngày, đến 20% nhóm cuối tiêu thụ lượng thấp nhất (và nhiều chất béo động vật hơn).
Quintiles là một thuật ngữ thống kê dùng để chia một tập hợp dữ liệu thành năm phần bằng nhau. Mỗi phần gọi là một "quintile," và mỗi quintile chứa 20% của tổng số dữ liệu. Quintiles thường được sử dụng để phân tích dữ liệu trong các lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, y tế, và nghiên cứu xã hội học để so sánh các nhóm khác nhau trong một tập hợp.
Trong suốt quá trình nghiên cứu, hơn 185.000 người tham gia đã tử vong, trong đó có khoảng 58.500 người tử vong vì bệnh tim. So với những người tiêu thụ ít chất béo từ thực vật nhất, những người nằm trong 1/5 số người tham gia cao nhất về lượng chất béo từ thực vật tiêu thụ có nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào thấp hơn 9% và nguy cơ tử vong do bệnh tim thấp hơn 14%.
Khi xem xét các nguồn chất béo thực vật cụ thể, nghiên cứu phát hiện ra những người hấp thụ lượng chất béo cao nhất từ dầu thực vật có tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn 12% và tỷ lệ tử vong do bệnh tim thấp hơn 15%. Nhóm nghiên cứu báo cáo rằng chất béo có nguồn gốc từ ngũ cốc cũng có liên quan chặt chẽ đến việc giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và tim mạch.
Mặt khác, những người nằm trong nhóm quintile cao nhất về lượng chất béo từ động vật hấp thụ phải đối mặt với tỷ lệ tử vong cao hơn trong suốt quá trình nghiên cứu. So với những người hấp thụ ít chất béo động vật nhất mỗi ngày, những người tiêu thụ nhiều nhất có khả năng tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn 16% và dễ tử vong do bệnh tim cao hơn 14%.
Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng tỷ lệ tử vong cũng cao hơn đối với những người ăn nhiều chất béo có nguồn gốc từ sữa hoặc trứng hàng ngày. Xu hướng này không chỉ liên quan đến chất béo từ thịt.
Vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu một người quyết định chuyển từ thịt, sữa và trứng sang rau, ngũ cốc và sữa thực vật? Các nhà nghiên cứu đã tính toán được lợi ích. Kết quả ước tính: "Việc thay thế 5% năng lượng từ chất béo động vật bằng 5% năng lượng từ chất béo thực vật, đặc biệt là chất béo từ ngũ cốc hoặc dầu thực vật, có liên quan đến nguy cơ tử vong thấp hơn: giảm 4% đến 24% tỷ lệ tử vong nói chung và giảm 5% đến 30% tỷ lệ tử vong do tim mạch".
Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com/ /8/2024