Kháng thể IgG trong sữa mẹ giúp hình thành hệ vi khuẩn đường ruột và khả năng miễn dịch của trẻ sơ sinh
Cập nhật vào: Thứ hai - 20/06/2022 01:02 Cỡ chữ
Một nghiên cứu tiền lâm sàng mới của các nhà điều tra tại Weill Cornell Medicine - Hoa Kỳ cho thấy một bộ kháng thể được tạo ra tự nhiên bởi các vi khuẩn có lợi trong đường ruột có thể được chuyển từ mẹ sang trẻ qua sữa mẹ và giúp trẻ sơ sinh chống lại bệnh tiêu chảy do nhiễm trùng. Nghiên cứu cho thấy việc tăng cường các kháng thể "sản sinh tự nhiên" này ở người mẹ có thể nâng cao khả năng miễn dịch của trẻ sơ sinh chống lại những mầm bệnh do vi khuẩn gây ra các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.
Trong bài báo được công bố trên tạp chí Science Immunology, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào một lớp kháng thể có tên là IgG, giúp loại bỏ vi khuẩn và vi-rút truyền nhiễm trong cơ thể. Người ta còn biết rất ít về cách kháng thể IgG được tạo ra tự nhiên bởi vi khuẩn đường ruột ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch đường ruột của trẻ sơ sinh. Vì vậy, các nhà điều tra đã sử dụng mô hình chuột để xác định cách kháng thể IgG này được chuyển từ máu mẹ sang sữa mẹ và cách chúng bảo vệ chuột non khỏi Citrobacter rodentium (tương đương với vi khuẩn E. coli gây bệnh ở người) gây nhiễm trùng đường ruột nguy hiểm.
Tiến sĩ Melody Zeng cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng những kháng thể IgG này có tác dụng bảo vệ chống lại nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh và chúng tôi có thể tăng cường khả năng bảo vệ này”.
Cũng giống như các kháng thể chống lại vi-rút SARS-CoV-2 được phát hiện trong sữa mẹ của những phụ nữ đã được tiêm vắc-xin mRNA cho COVID-19, các nhà khoa học đã tìm cách tăng cường bảo vệ chống lại nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh bằng cách tạo ra kháng thể IgG có thể được chuyển theo cách này. Họ đã phát triển một loại vắc-xin sử dụng một thành phần được tìm thấy trong vi khuẩn đường ruột, sau đó tiêm chủng cho những con chuột cái trước khi chúng mang thai.
Tiến sĩ Zeng giải thích: “Cùng một khái niệm, trong đó việc tiêm phòng giúp tăng cường mức độ kháng thể IgG của người mẹ và truyền khả năng miễn dịch này cho đứa trẻ, có thể bảo vệ trẻ sơ sinh. Chiến lược này đặc biệt có thể có lợi cho trẻ sinh non, vì chúng có nguy cơ mắc các bệnh tiêu chảy cao hơn nhiều”.
Những bệnh nhiễm trùng như vậy gây ra những nguy hiểm đáng kể cho trẻ nhỏ nói chung. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh tiêu chảy là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trong thí nghiệm, các nhà nghiên cứu, lần đầu tiên chứng minh rằng khi được truyền sang chuột sơ sinh qua sữa mẹ, IgG đã ngăn vi khuẩn gây bệnh tự bám vào niêm mạc ruột của trẻ sơ sinh, một bước đầu của quá trình lây nhiễm. Sau đó họ nghiên cứu cách IgG tương tác với một nhóm vi khuẩn khác, vi khuẩn có lợi sống trong ruột, để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh của vi khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh. Các nhà khoa học đang phát hiện ra rằng những vi khuẩn này góp phần vào sự phát triển và chức năng của hệ miễn dịch.
Nghiên cứu này cũng đã khám phá ra những ảnh hưởng lâu dài của kháng thể IgG. Những con chuột không nhận IgG từ mẹ của chúng đã phát triển các cộng đồng vi sinh vật bất thường trong ruột của chúng, dẫn đến những thay đổi đối với hệ miễn dịch. Các nhà khoa học đã tìm thấy sự gia tăng tế bào miễn dịch ruột sản xuất IL-17, là cytokine tiền viêm có liên quan đến các bệnh viêm nhiễm. Khi trưởng thành, những con chuột thiếu IgG dễ bị viêm bất thường liên quan đến rối loạn viêm ruột.
Tiến sĩ Zeng cho biết: “Những phát hiện của chúng tôi thực sự nhấn mạnh những lợi ích của việc cho con bú sữa mẹ và cho sự phát triển lâu dài của hệ miễn dịch ở trẻ em”.
Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2022-06-igg-antibodies-breast-infants-gut.html, 10/6/2022