Mô hình in vitro giúp giải thích lý do ung thư vú di căn đến xương
Cập nhật vào: Thứ ba - 10/12/2024 12:07 Cỡ chữ
Một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Tampere (Phần Lan) và Viện Công nghệ Izmir (Thổ Nhĩ Kỳ) đã phát triển một mô hình ung thư in vitro để điều tra lý do tại sao ung thư vú lại lan tới xương. Nghiên cứu của họ hứa hẹn sẽ đẩy mạnh việc phát triển các công cụ tiền lâm sàng nhằm dự đoán nguy cơ di căn ung thư vú đến xương.
In vitro là phương pháp nghiên cứu đối với các vi sinh vật, tế bào, hoặc các phân tử sinh học trong điều kiện trái ngược với bối cảnh sinh học bình thường của chúng, được gọi là "thí nghiệm trong ống nghiệm".
Ung thư vú là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu, với khoảng 2,3 triệu ca mắc mới và 700.000 ca tử vong mỗi năm. Khoảng 80% bệnh nhân mắc ung thư vú nguyên phát có thể được chữa khỏi nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, ung thư đã lan ra các bộ phận khác của cơ thể (di căn) ngay khi được chẩn đoán.
Ung thư di căn hiện không thể chữa khỏi và chiếm hơn 90% các ca tử vong liên quan đến ung thư. Hiện nay, vẫn chưa có mô hình in vitro đáng tin cậy để nghiên cứu cách thức ung thư vú lan đến các cơ quan thứ cấp như xương, phổi, gan hoặc não.
Các nhà khoa học từ nhóm Vật liệu Nano Chính xác tại Đại học Tampere và Phòng thí nghiệm Sinh học Phân tử Ung thư tại Viện Công nghệ Izmir đã sử dụng các nền tảng lab-on-a-chip để tạo ra mô hình di căn sinh lý liên quan, nhằm nghiên cứu các yếu tố kiểm soát sự di căn ung thư vú đến xương. Nghiên cứu này, được công bố trên tạp chí PLOS One vào ngày 17 tháng 10 năm 2024, với tiêu đề "Mô hình xâm lấn/hoá ứng động và mô hình thoát mạch cho sự di căn ung thư vú tới xương". Lab-on-a-chip là một thiết bị tích hợp một hoặc một số chức năng của phòng thí nghiệm trên một mạch tích hợp duy nhất có kích thước chỉ từ milimet đến vài cm vuông để đạt được sự tự động hóa và sàng lọc thông lượng cao. LOC có thể xử lý lượng chất lỏng cực nhỏ xuống dưới pico-lít.
Theo Burcu Firatligil-Yildirir, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Tampere và tác giả chính của bài báo, "Ung thư vú thường xuyên lan tới xương với tỷ lệ ước tính là 53%, gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như đau đớn, gãy xương bệnh lý và chèn ép tủy sống. Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp một mô hình trong phòng thí nghiệm có khả năng ước tính nguy cơ và cơ chế di căn xương xảy ra trong cơ thể sống".
Phó giáo sư Nonappa, cho biết: "Việc phát triển các mô hình in vitro bền vững mô phỏng môi trường vi mô của vú và xương là một thách thức liên ngành. Công trình của chúng tôi cho thấy rằng các mô hình sinh lý liên quan in vitro có thể được tạo ra bằng cách kết hợp sinh học ung thư, vi lưu và vật liệu mềm. Kết quả mở ra nhiều khả năng mới cho việc phát triển các mô hình dự đoán bệnh, chẩn đoán và điều trị”.
Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com/, 11/2024