Mũi thứ ba của vắc xin Sinovac COVID-19 cung cấp sự gia tăng đáng kể mức độ kháng thể
Cập nhật vào: Thứ ba - 27/07/2021 13:37 Cỡ chữ
Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng mũi thứ ba của vắc xin Sinovac’s COVID-19 được tiêm sáu tháng trở lên sau mũi thứ hai sẽ dẫn đến sự gia tăng đáng kể mức độ kháng thể, và lịch trình hai liều dường như tạo ra trí nhớ miễn dịch tốt. Kết quả của nghiên cứu đã được công bố trên medRxiv hôm 23/7/2021.
Nghiên cứu cho thấy mặc dù mức độ kháng thể trung hòa giảm 6 tháng sau khi tiêm hai mũi Sinovac, nhưng lịch tiêm chủng hai liều sẽ tạo ra trí nhớ miễn dịch tốt. Liều thứ ba, được tiêm trong khoảng thời gian từ sáu đến tám tháng sau liều thứ hai, dẫn đến sự tăng cường mạnh mẽ trong phản ứng miễn dịch, với trị số hiệu giá trung bình nhân (GMTs) tăng lên khoảng 140.
Nhìn chung, 540 người tham gia đã nhận được liều thứ ba trong nghiên cứu. Trong nhóm thử nghiệm, hiệu giá kháng thể trung hòa gây ra bởi hai liều đầu tiên giảm sau 6 đến 8 tháng xuống dưới ngưỡng huyết thanh dương tính (GMT: 4.1). Khi liều thứ ba được tiêm từ sáu đến tám tháng sau liều thứ hai, GMTs được đánh giá trong 14 ngày sau đó tăng lên 137,9, hoặc gần gấp ba lần. Mô hình này phù hợp với các nghiên cứu gần đây về chủng ngừa tăng cường với vắc-xin AstraZeneca, cho thấy nồng độ tổng số kháng thể cao hơn sau liều thứ ba.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc tiêm liều thứ ba quá sớm (28 ngày sau liều thứ hai) gây ra mức độ kháng thể thấp hơn nhiều - chỉ bằng 1/3 so với liều thứ ba được tiêm sáu tháng trở lên sau liều thứ hai.
Theo nghiên cứu, việc tối ưu hóa thời điểm tiêm nhắc lại cần tính đến khả năng sinh miễn dịch, hiệu lực/hiệu quả của vắc xin, tình hình dịch tại địa phương, nguy cơ lây nhiễm và nguồn cung cấp vắc xin. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được quan sát thấy trong quá trình nghiên cứu được coi là có liên quan đến việc tiêm chủng.
Sinovac cũng đã công bố một nghiên cứu khác về tính an toàn của vắc-xin dựa trên việc quản lý 7,12 triệu liều vắc-xin Sinovac từ ngày 27 tháng 11 năm 2020 đến ngày 8 tháng 6 năm 2021 tại Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc. Theo nghiên cứu, 623 người nhận vắc-xin đã báo cáo các tác dụng phụ, dẫn đến tỷ lệ 87,5 biến cố trên 1 triệu liều. Tỷ lệ cụ thể theo tuổi của các tác dụng phụ sau khi tiêm chủng (AEFIs) dao động từ 74,0 trên 1 triệu liều ở những người từ 45 đến 59 tuổi đến 102,0 trên 1 triệu liều ở những người từ 18 đến 44 tuổi.
Trong số 623 AEFI, 544 trường hợp được xác nhận là phản ứng vắc xin nhỏ thông thường. Rất hiếm trường hợp phản vệ sau khi tiêm chủng đã được báo cáo (5 trường hợp, hoặc 0,7 trên 1 triệu liều). 7 trường hợp AEFI được phân loại là nghiêm trọng, nhưng thông tin hiện có chỉ ra rằng không có mối quan hệ nhân quả nào với việc tiêm chủng COVID-19, theo nghiên cứu. Không có mối lo ngại lớn nào về an toàn được xác định trong chiến dịch tiêm chủng COVID-19. Theo nghiên cứu, không có bằng chứng về việc tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.
P.A.T (NASATI), theo Global Times, 27/7/2021