Nghiên cứu chỉ ra mối tương quan giữa ô nhiễm không khí với bệnh loãng xương
Cập nhật vào: Thứ tư - 15/01/2020 16:59
Cỡ chữ
Ô nhiễm không khí từ lâu đã được coi là thủ phạm gây ra các bệnh về đường hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Một nghiên cứu đã chứng minh rằng ô nhiễm không khí thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề tâm thần ở trẻ em, khiến trẻ dễ bị rối loạn tâm thần như lo lắng và nghĩ đến tự tử. Còn mới đây, các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu Barcelona (ISGlobal) của Tây Ban Nha đã củng cố thêm kết luận về tác hại của việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm khi khẳng định nó cũng chính là nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành đánh giá chất lượng không khí ngoài trời ở 28 ngôi làng gần thành phố Hyberabad của Ấn Độ. Họ đặc biệt quan tâm đến mật độ các hạt bụi mịn có kích thước siêu vi và các phân tử các-bon đen siêu nhỏ bay lơ lửng trong không khí.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng phân tích kết quả sức khỏe xương của 3.717 cư dân sinh sống trong những ngôi làng đó. Các chuyên gia sử dụng công nghệ hấp thụ tia X năng lượng kép để đo khối lượng xương ở các vị trí trung tâm như cột sống thắt lưng và hông trái.
Dữ liệu được thu thập trong khoảng thời gian bốn năm, từ năm 2009 đến 2012. Trong thời gian này, cư dân được yêu cầu hoàn thành các câu hỏi liên quan đến loại nhiên liệu nấu ăn trong nhà mà họ sử dụng.
Kết quả là, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mức độ phơi nhiễm bụi mịn (các hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) trong không khí trung bình hằng năm của người dân đạt mức 32,8 µg/m3. Con số này vượt xa so với mức khuyến cáo không quá 10 µg/m3 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Các nhà khoa học đã liên kết thông tin về loại nhiên liệu người dân sử dụng để nấu ăn với kết quả sức khỏe xương của họ và nhận thấy rằng: mức độ ô nhiễm không khí ngoài trời càng cao thì hàm lượng khoáng chất có trong xương cũng như mật độ khoáng chất trong cơ thể càng thấp. Tuy nhiên, họ chưa tìm ra mối tương quan giữa khối lượng xương với việc sử dụng sinh khối như gỗ làm nhiên liệu nấu ăn của người dân.
Tiến sĩ Otavio T. Ranzani, tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết: "Kết quả của nghiên cứu của chúng tôi bổ sung vào kho tài liệu chưa đầy đủ cũng như chưa có kết luận cuối cùng về mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm và sức khỏe của xương”. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định: "Việc tiếp xúc với các hạt bụi mịn gây ô nhiễm trong không khí có thể dẫn đến nguy cơ giảm khối lượng xương do ứng kích ôxi hóa (hay mất cân bằng oxi hóa) vốn được cho là một trong những nguyên nhân gây ra những bệnh lý như: xơ vữa động mạch, ung thư… và nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí".
Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Jama Network Open.
P.K.L (NASATI), theo https://newatlas.com/health-wellbeing/air-pollution-osteoporosis/, 01/2020