Nghiên cứu đa hình di truyền gen COX-1 và COX-2 trên ADN ty thể liên quan đến bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ tư - 16/01/2019 16:13 Cỡ chữ
Ung thư đại trực tràng (UTĐTT) là một trong những loại ung thư phổ biến ở người. Trên thế giới, trong tổng số các loại ung thư, UTĐTT xếp thứ ba sau ung thư phổi và ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới, đứng thứ hai sau ung thư vú ở nữ giới. Ở Việt Nam, UTĐTT đứng thứ năm sau ung thư gan, phổi, dạ dày, vú. Tỷ lệ mắc UTĐTT chiếm khoảng 8,7% tổng số bệnh nhân ung thư. UTĐTT là loại ung thư có tiên lượng tốt nếu bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị khi còn ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do UTĐTT vẫn ở mức cao, điều đó cho thấy thực trạng chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm vẫn còn hạn chế đặc biệt ở các nước chậm phát triển. Có nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc UTĐTT như chế độ ăn uống, tuổi tác, lối sống, nghề nghiệp và hội chứng đa polyp theo gia đình. Đặc biệt, các nghiên gần đây đã chỉ ra rằng biến đổi trên ADN ty thể là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Kết quả nghiên cứu về biến đổi trên ADN ty thể cho thấy đây là hướng nghiên cứu tiềm năng để tìm các chỉ thị giúp hỗ trợ chẩn đoán ung thư.
Ảnh điện di sản phẩm AND tổng số từ một số mẫu nghiên cứu
Nhằm xác định được đa hình di truyền của gen COX-1 và COX-2 thuộc ADN ty thể ở một nhóm mẫu quần thể bệnh nhân ung thư đại trực tràng người Việt Nam và xác định được mối liên quan giữa một số dạng đa hình di truyền của các gen COX-1 và COX-2 với các đặc điểm bệnh học lâm sàng ở nhóm bệnh nhân nghiên cứu, nhóm nghiên cứu do ThS. Phạm Thị Bích, Khoa Sinh học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGH đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu đa hình di truyền gen COX-1 và COX-2 trên ADN ty thể liên quan đến bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở Việt Nam”.
Trong phạm vi của đề tài này, nhóm nghiên cứu tiến hành sàng lọc các biến đổi (đột biến, đa hình) của gen COX-1, COX-2 ty thể và đánh giá mối liên quan giữa một số biến đổi trên các gen COX-1, COX-2 xác định được với các đặc điểm bệnh học của bệnh UTĐTT. Mẫu mô u, mô lân cận u (LCU) và một số mẫu máu được cung cấp kèm theo mẫu mô của các bệnh nhân bị bệnh UTĐTT. Mẫu ung thư được cung cấp từ Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện K Hà Nội. Mẫu máu của người khỏe mạnh bình thường (máu ĐC) dùng làm đối chứng. Tiêu chuẩn lựa chọn mẫu ung thư là những mẫu được lấy từ các bệnh nhân có kết quả giải phẫu bệnh sau phẫu thuật là ung thư biểu mô tuyến, dạng ung thư nguyên phát, vùng không bị hoại tử (được xác định tại Khoa Giải phẫu bệnh của Bệnh viện). Tiêu chuẩn loại trừ: bệnh nhân UTĐTT do di căn từ các mô, cơ quan khác tới. Mô u lấy tại vị trí trung tâm của khối u, mô LCU lấy tai vị trí cách khối u từ 5-10cm.
Kết quả thu được sau một thời gian triển khai từ tháng 2/2015 đến tháng 2/2017 tại Phòng thí nghiệm Proteomics và Sinh học cấu trúc thuộc Phòng thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ Enzyme và Protein, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN như sau:
- Đã sàng lọc được 17 biến đổi trên gen COX-1, 13 biến đổi trên gen COX-2 ty thể trong đó có 5 biến đổi làm thay đổi axit amin trên gen COX-2, 4 biến đổi làm thay đổi axit amin trên gen COX-1 ở bệnh nhân UTĐTT. Tần suất biến đổi C6340T là 3,48%, G7853A trên mô u và LCU tương ứng là 15,1% và 21,2%.
- Đánh giá được mối liên quan giữa biến đổi biến đổi G7853A với các đặc điểm bệnh học lâm sàng của bệnh UTĐTT.Biến đổi C6340T, là dạng đột biến sôma và xác định được ở cả dạng đồng nhất và không đồng nhất, là một yếu tố có xu hướng làm tăng nguy cơ gây bệnh. Biến đổi G7853A có liên quan với giới tính, giai đoạn T (P<0,05), nhưng không có liên quan với các đặc điểm khác của bệnh UTĐTT như độ tuổi, vị trí khối u, kích thước khối u, mức độ biệt hóa, giai đoạn bệnh (P>0,05).
Như vậy, nghiên cứu đã cung cấp thông tin về một số biến đổi thuộc gen COX-1 và COX-2 ty thể ở bệnh nhân UTĐTT người Việt Nam. Đồng thời kết quả nghiên cứu cũng đánh giá được mối liên quan giữa biến đổi G7853A với một số đặc điểm bệnh học lâm sàng của bệnh UTĐTT ở Việt Nam. Đặc biệt, biến đổi G7853A có liên quan đến giai đoạn T của bệnh.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14684/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)