Nghiên cứu điều trị sa sinh dục bằng phương pháp mới
Cập nhật vào: Thứ tư - 07/08/2024 11:09 Cỡ chữ
Sa sinh dục là bệnh lý hay gặp ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ sau sinh đẻ nhiều và mãn kinh. Tùy theo cách đánh giá về sa sinh dục mà tỷ lệ sa sinh dục dao động từ 3 - 50% theo từng nghiên cứu. Tỷ lệ sa sinh dục có triệu chứng khoảng 3 - 6%; khi khám âm đạo, tỷ lệ sa sinh dục có thể lên đến 50% các trường hợp. Bình thường, các tạng chậu (bàng quang, tử cung, trực tràng) nằm trong không gian tiểu khung theo một tư thế giải phẫu phù hợp với sinh lý nhất nhờ các phương tiện nâng đỡ đó là các dây chằng và các mạc chậu. Các phương tiện này tạo lên hai cấu trúc gọi là trục treo đáy chậu trước và trục treo đáy chậu sau. Trong đó, trục treo đáy chậu trước được tạo bởi mạc mu - cổ và phức hợp cổ tử cung cùng. Nó góp phần giữ bàng quang và tử cung trong tiểu khung ở tư thế giải phẫu sinh lý nhất. Khi tổn thương trục treo đáy chậu trước (phức hợp cổ tử cung cùng - mạc mu cổ) dẫn tới sa sinh dục.
Khâu treo cố định cổ tử cung vào ụ nhô theo trục treo đáy chậu sau được coi là một xu hướng thịnh hành và được nhiều phẫu thuật viên lựa chọn bởi vì phương pháp này có thể thực hiện được bằng các phẫu thuật ít xâm lấn như phẫu thuật nội soi hay phẫu thuật Robot. Phương pháp này có một số ưu điểm như: mất máu ít, hồi phục sớm, tỷ lệ tái phát thấp và đặc biệt không bị khó quan hệ tình dục do lệch trục âm đạo như khâu treo vào dây chằng cùng gai. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những nhược điểm như: kỹ thuật khó, thời gian mổ kéo dài, tai biến và biến chứng trong và sau mổ còn nhiều như: tổn thương đường tiết niệu, đường tiêu hóa, rối loạn đại tiện và tiểu tiện, sói mòn lưới...Để khắc phục những nhược điểm của phương pháp này, treo và cố định trục treo đáy chậu trước vào dải chậu lược 2 bên qua phẫu thuật nội soi được coi là một giải pháp cho điều trị sa sinh dục, đặc biệt, ở những bệnh nhân có chống chỉ định tương đối và tuyệt đối khi thực hiện khâu treo cổ tử cung theo trục sau vào ụ nhô như: tiền sử mổ tiểu khung, bệnh lý vùng cùng cụt.
Nhằm đánh giá kết quả sớm của phương pháp khâu treo và cố định trục treo đáy chậu trước vào dải chậu lược hai bên qua phẫu thuật nội noi trong điều trị sa sinh dục, nhóm nghiên cứu bao gồm các bác sỹ Trần Ngọc Dũng, Trần Bảo Long, Lưu Quang Dũng, Nguyễn Đức Phan, Nguyễn Thu Vinh, Hoàng Đình Âu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - Trường Đại học Y Hà Nội đã thực hiện nghiên cứu: “Điều trị sa sinh dục bằng cố định trục treo đáy chậu trước vào dải chậu lược hai bên qua phẫu thuật nội soi”
Nghiên cứu đã đánh giá được kết quả ban đầu của phương pháp khâu treo và cố định trục treo đáy chậu vào dải chậu lược hai bên bằng phẫu thuật nội soi trong điều trị sa sinh dục. Trong thời gian 18 tháng, nhóm nghiên cứu đã thực hiện kỹ thuật trên cho 32 bệnh nhân sa sinh dục độ 3, 4. Tỷ lệ tai biến và biến chứng thấp lần lượt 3,1% và 6,2%. Tỷ lệ tái phát 3,1%. Mức độ đau sau mổ phần lớn là trung bình và thấp lần lượt là 31,2% và 62,5%. Tất cả bệnh nhân hồi phục sớm với thời gian nằm viện ngắn trung bình là 4,5 ngày. Chất lượng cuộc sống thay đổi rõ sau mổ với hai thang điểm PFDI và PFIQ giảm lần lượt là 112,51 xuống 18,75 và 95,21 xuống 13,54. Kết quả ban đầu cho thấy đây là phương pháp an toàn và hiệu quả.
Điều trị sa sinh dục bằng khâu cố định trục treo đáy chậu trước vào dải chậu lượng 2 bên là một phương pháp an toàn, hiệu quả với thời gian phẫu thuật ngắn, ít các tai biến và biến chứng trong và sau mổ, chất lượng cuộc sống cải thiện tốt sau mổ. Tuy nhiên, kết quả xa đặc biệt là tái phát cần phải có thêm thời gian theo dõi để đánh giá một cách chính xác hiệu quả của phương pháp này.
P.T.T (tổng hợp)