Nghiên cứu định lượng phản ứng của kháng thể đối với vắc xin Pfizer và Moderna
Cập nhật vào: Thứ hai - 06/09/2021 12:35 Cỡ chữ
Các nhà nghiên cứu tại trường Y thuộc Đại học Virginia, Hoa Kỳ đã tiến hành định lượng phản ứng kháng thể do vắc xin COVID-19 Pfizer và Moderna tạo ra. Đây là một trong những phát hiện sớm nhất so sánh phản ứng kháng thể của hai loại vắc xin. Kết quả đáng chú ý là nồng độ kháng thể ở những người tiêm vắc xin Moderna cao hơn một chút so với những người tiêm vắc xin Pfizer. Sự khác biệt chủ yếu được giải thích thông qua nồng độ kháng thể ở những người tương đối cao tuổi.
Các nhà nghiên cứu thận trọng không đưa ra kết luận về hiệu quả của vắc xin dựa vào số lượng kháng thể. Họ cho rằng cả hai loại vắc xin đều có hiệu quả đặc biệt sau khi được tiêm cho hàng triệu người trên thế giới. Kết quả nghiên cứu mới chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong một hình ghép lớn khi các nhà khoa học đang tìm cách xác định liệu một loại vắc xin có ưu điểm vượt trội hơn ở một số bộ phận cư dân nhất định hay không.
Vắc xin Pfizer và Moderna
Cả vắc xin Pfizer và Moderna đều sử dụng mRNA để dạy hệ miễn dịch cách tự bảo vệ chống lại protein đột biến của COVID. Tuy nhiên, công thức của mỗi loại vắc xin hơi khác nhau, trong đó, Moderna sử dụng nhiều mRNA hơn Pfizer. Điều đó đã thúc đẩy nhóm nghiên cứu tìm cách định lượng và so sánh các phản ứng kháng thể thu được.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã kiểm tra mẫu máu của 167 cán bộ của trường Đại học Virginia đã được tiêm vắc xin. Các mẫu máu chủ yếu được lấy sau khi các nhân viên được tiêm vắc xin liều thứ hai từ một tuần đến 31 ngày, trong đó, có 79 người tiêm Pfizer và 88 người tiêm Moderna. Trong một số trường hợp, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu trước khi cán bộ được tiêm liều thứ hai. Độ tuổi trung bình của những người tham gia nghiên cứu là 42 và 38% từ 50 tuổi trở lên. Phần lớn (72%) là phụ nữ.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng so với Pfizer, Moderna sản sinh nhiều kháng thể hơn trong máu sau liều chích ngừa thứ hai: 68,5 microgam trên mililit (µg/mL) với Moderna và Pfizer là 45,9 µg/mL.
Để nghiên cứu ảnh hưởng của tuổi tác đến phản ứng kháng thể, các nhà khoa học đã phân loại những người tham gia thành 2 nhóm, một nhóm từ 50 tuổi trở xuống và một nhóm trên 50 tuổi. Nhóm tiêm Pfizer từ 50 tuổi trở lên, tạo ra ít kháng thể hơn nhóm trẻ hơn sau khi được tiêm liều thứ hai (tương ứng là 31,1 µg/mL và 59,0 µg/mL). Ở những người được tiêm vắc xin Moderna, không có sự khác biệt về kháng thể ở các nhóm tuổi. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng điều này là do sự khác biệt về lượng mRNA mà vắc-xin sử dụng. Moderna sử dụng nhiều mRNA gấp ba lần Pfizer.
Các nhà khoa học lưu ý rằng họ không xem xét cụ thể các kháng thể "vô hiệu hóa" - loại kháng thể ngăn chặn vi rút xâm nhập vào tế bào. Bên cạnh đó, họ cũng không xem xét các tế bào T và B, đóng vai trò quan trọng khác trong phản ứng miễn dịch của cơ thể. Những nội dung đó sẽ cần được đề cập trong những nghiên cứu phức tạp và mất nhiều thời gian hơn.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới là một điểm dữ liệu quan trọng, giúp các bác sĩ và nhà khoa học đưa ra phản ứng trong tương lai đối với đại dịch. Các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu hiệu quả lâu dài của vắc xin và đang đánh giá xem có cần tiêm nhắc lại hay không, đặc biệt là ở những người lớn tuổi, những người có thể không tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh như những người trẻ tuổi.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí khoa học JAMA Network Open.
N.P.D (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2021-09-covid-quantifies-antibody-response-pfizer.html, 2/9/2021