Nghiên cứu lớn chỉ ra rằng nhịn ăn kéo dài trước phẫu thuật chỉnh hình làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng
Cập nhật vào: Thứ hai - 09/12/2024 12:08 Cỡ chữ
Những người phải trải qua nhiều ca phẫu thuật chỉnh hình trong cùng một đợt điều trị nội trú có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng do nhịn ăn lặp đi lặp lại hoặc kéo dài, điều này có thể làm chậm quá trình hồi phục và tăng nguy cơ tử vong, theo một nghiên cứu trên hơn 28 triệu bệnh nhân được trình bày tại hội nghị thường niên ANESTHESIOLOGY 2024.
Do thực phẩm hoặc chất lỏng còn lại trong dạ dày có thể làm tăng nguy cơ nôn và hít phải vào đường thở và phổi trong khi gây mê toàn thân và an thần sâu, hầu hết bệnh nhân được hướng dẫn nhịn ăn ít nhất tám giờ trước khi phẫu thuật. Thời gian nhịn ăn thường được thực hiện bằng cách không ăn uống sau nửa đêm, đồng thời cũng chỉ được phép uống các loại chất lỏng trong suốt cho đến hai giờ trước thủ thuật.
Bệnh nhân phải trải qua nhiều ca phẫu thuật trong bệnh viện, đặc biệt là những ca được thực hiện liên tiếp trong vài ngày, sẽ phải nhịn ăn lặp đi lặp lại hoặc trong khoảng thời gian kéo dài.
Tác giả nghiên cứu Ivie Izekor cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi đã xác định rằng việc nhịn ăn lặp lại ở bệnh nhân nội trú trải qua nhiều ca phẫu thuật chỉnh hình trong nhiều ngày hoặc tuần làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng protein-calorie, dẫn đến thời gian nằm viện lâu hơn, hồi phục chậm hơn và chi phí chăm sóc sức khỏe cao hơn”. Dù nhịn ăn là một phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong phẫu thuật, nhưng những phát hiện của chúng tôi cho thấy cần xem xét các điều chỉnh trong thực hành lâm sàng cho những bệnh nhân có nguy cơ suy dinh dưỡng, chẳng hạn như những người trên 65 tuổi, có bệnh mãn tính như tiểu đường hoặc suy tim, hoặc có hạn chế về dinh dưỡng trước phẫu thuật vì lý do kinh tế xã hội.
Để thực hiện, các nhà nghiên cứu đã phân tích cơ sở dữ liệu National Inpatient Sample trong giai đoạn 2016-2019. Họ đã xác định được 28.475.485 bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật chỉnh hình trong bệnh viện, trong đó có 1.853.360 (6,5%) người được chẩn đoán bị suy dinh dưỡng sau khi nhập viện.
Bệnh nhân được phân nhóm dựa trên số lượng phẫu thuật mà họ đã trải qua, tất cả đều được thực hiện trong cùng một lần nhập viện. Những bệnh nhân được chẩn đoán bị suy dinh dưỡng có trung bình 2,31 ca phẫu thuật, trong khi những người không bị suy dinh dưỡng có trung bình 1,57 ca phẫu thuật. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng bệnh nhân suy dinh dưỡng: Có nguy cơ tử vong cao hơn ít nhất 15% (và nguy cơ này tăng theo số lượng phẫu thuật); Chi phí bệnh viện cao hơn (trung bình là 98.000 USD so với 48.000 USD) và thời gian nằm viện lâu hơn (trung bình là 9,07 ngày so với 4,34 ngày).
Nguyên nhân tử vong ở những bệnh nhân suy dinh dưỡng thường liên quan đến nhiễm trùng, biến chứng từ việc lành vết thương kém hoặc tình trạng yếu kém chung do suy dinh dưỡng. Các nhà nghiên cứu đã chọn phẫu thuật chỉnh hình vì chúng không liên quan trực tiếp đến hệ thống tiêu hóa, điều này có thể làm phức tạp thêm kết quả nghiên cứu.
Những bệnh nhân cần phẫu thuật chỉnh hình nhiều lần bao gồm những người có các vấn đề khớp mãn tính như thoái hóa khớp, chấn thương nghiêm trọng cần nhiều giai đoạn sửa chữa và những người cần điều chỉnh các ca phẫu thuật ban đầu.
Để ngăn ngừa suy dinh dưỡng, các nhà nghiên cứu đề xuất rằng những bệnh nhân phải trải qua nhiều phẫu thuật nên nhận được hỗ trợ dinh dưỡng cá nhân hóa trong thời gian nằm viện. Hỗ trợ này có thể bao gồm đánh giá dinh dưỡng bởi chuyên gia dinh dưỡng, bổ sung dinh dưỡng và theo dõi tình trạng dinh dưỡng để giúp thúc đẩy quá trình hồi phục nhanh hơn và giảm biến chứng.
Tiến sĩ George Williams nói: "Những tác động kết hợp của việc nhịn ăn lặp đi lặp lại và căng thẳng phẫu thuật có thể làm suy yếu tình trạng dinh dưỡng, bất kể loại phẫu thuật, và chúng tôi tin rằng những phát hiện của chúng tôi sẽ đúng với những bệnh nhân trải qua nhiều phẫu thuật ở bất kỳ loại nào.Tuy nhiên, có thể khó khăn hơn để đánh giá mối quan hệ nguyên nhân và kết quả trong các ca phẫu thuật đường tiêu hóa do ảnh hưởng trực tiếp của chúng đến hệ thống tiêu hóa”.
Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/, 2024