Nghiên cứu phát hiện bệnh nhân bị đau tim có đôi chân khỏe có tiên lượng tốt hơn
Cập nhật vào: Thứ ba - 30/05/2023 00:12 Cỡ chữ
Nghiên cứu được trình bày mới đây tại Heart Failure 2023 - Đại hội khoa học của Hiệp hội Tim mạch châu Âu (ESC) cho thấy, những người có đôi chân khỏe ít có khả năng bị suy tim sau một cơn đau tim.
Nhồi máu cơ tim là nguyên nhân phổ biến nhất của suy tim, với khoảng 6–9% bệnh nhân đau tim sẽ phát triển tình trạng này. Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng nhóm cơ đùi trước của chúng ta khỏe mạnh có liên quan đến nguy cơ tử vong thấp hơn ở những bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành.
Nghiên cứu này đã kiểm tra giả thuyết rằng sức mạnh của chân có liên quan đến giảm nguy cơ phát triển bệnh suy tim sau nhồi máu cơ tim cấp tính. Nghiên cứu bao gồm 932 bệnh nhân nhập viện từ năm 2007 đến 2020 do nhồi máu cơ tim cấp không bị suy tim trước khi nhập viện và không phát triển các biến chứng suy tim trong thời gian nằm viện. Độ tuổi trung bình là 66 tuổi và 753 người tham gia (81%) là nam giới.
Sức mạnh tối đa của nhóm cơ đùi trước được đo như là một chỉ số về sức mạnh của chân. Bệnh nhân ngồi trên ghế và co cơ đùi trước hết mức có thể trong 5 giây. Một lực kế cầm tay gắn vào cổ chân sẽ ghi lại giá trị lớn nhất được tính bằng kg. Phép đo được thực hiện trên mỗi chân và các nhà nghiên cứu đã sử dụng giá trị trung bình của cả hai giá trị này.
Sức mạnh cơ đùi trước tính bằng kg được chia cho trọng lượng cơ thể tính bằng kg và nhân với 100 để có giá trị % trọng lượng cơ thể. Bệnh nhân được phân loại là sức mạnh 'cao' hoặc 'thấp' tùy thuộc giá trị của họ cao hơn hay thấp hơn mức trung bình theo giới tính của họ.
Giá trị trung bình đối với phụ nữ là 33% trọng lượng cơ thể và giá trị trung bình đối với nam giới là 52% trọng lượng cơ thể. Tổng cộng có 451 bệnh nhân có sức mạnh cơ đùi trước thấp và 481 bệnh nhân có sức mạnh cao. Trong thời gian theo dõi trung bình 4,5 năm, 67 bệnh nhân (7,2%) bị suy tim. Tỷ lệ suy tim là 10,2% /1.000 người/năm ở những bệnh nhân có sức mạnh cơ đùi trước cao và 22,9%/1.000 người/năm ở những người có sức mạnh thấp.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích các mối liên quan giữa sức mạnh cơ đùi trước (thấp so với cao) và nguy cơ phát triển bệnh suy tim. Phân tích được hiệu chỉnh theo cho các yếu tố có liên quan đến sự phát triển của suy tim sau nhồi máu cơ tim bao gồm tuổi, giới tính, chỉ số khối cơ thể, nhồi máu cơ tim hoặc đau thắt ngực trước đó, tiểu đường, rung tâm nhĩ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh động mạch ngoại vi và chức năng thận.
So sánh với sức mạnh cơ đùi trước thấp, sức mạnh cơ đùi trước cao có nguy cơ phát triển suy tim thấp hơn 41% (tỷ lệ rủi ro [HR]: 0,59; độ tin cậy 95% [CI] 0,35-1,00; p=0,048).
Các nhà điều tra cũng phân tích mối liên quan giữa sức mạnh cơ đùi trước như một biến liên tục và nguy cơ phát triển bệnh suy tim. Cứ mỗi 5% sức mạnh đùi trước tăng lên so với trọng lượng cơ thể thì khả năng suy tim thấp hơn 11% (HR 0,89; 95% CI 0,81-0,98; p=0,014).
Tác giả nghiên cứu, ông Kensuke Ueno, chuyên gia vật lý trị liệu tại Trường Khoa học Y khoa - Đại học Kitasato, Sagamihara, Nhật Bản cho biết: “Sức mạnh của cơ đùi trước được đo đơn giản, dễ dàng và chính xác trong thực hành lâm sàng. Nghiên cứu này chỉ ra rằng sức mạnh của cơ đùi trước có thể giúp xác định bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh suy tim sau nhồi máu cơ tim - những người cần được theo dõi chặt chẽ hơn”.
Những phát hiện này cần được mở rộng trong các nghiên cứu khác. Các nhà nghiên cứu cũng khuyến nghị bệnh nhân bị đau tim cần tập luyện sức mạnh liên quan đến cơ đùi trước để ngăn ngừa suy tim.
P.T.T (NASATI), theo https://medicxpress.com/news/2023-05-heart-workers-strong-legs-prognosis.html, 19/5/2023