Nghiên cứu sự lây truyền vi rút gây bệnh tay chân miệng tại hộ gia đình có ca bệnh ở đồng tháp, việt nam năm 2013-2015
Cập nhật vào: Thứ ba - 28/04/2020 08:24 Cỡ chữ
Tỉ lệ hiện nhiễm bệnh tay chân miệng (TCM) ở bệnh nhân và người nhà tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân lần lượt là 61% và 2% (theo kết quả xét nghiệm RT-PCR). Theo kết quả xét nghiệm trung hòa kháng thể có 17% bệnh nhân và 30% người nhà dương tính với các chủng EV71, CA6, CA16. Các chủng EV chiếm ưu thế, trong đó nổi trội là CA6. Nghiên cứu tìm thấy có sự cùng nhiễm chủng vi rút. Nhóm tuổi bị bệnh TCM chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi, có trường hợp trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi.
Tỉ lệ lây truyền giữa những trẻ trong cùng một gia đình 22%. 83/150 hộ gia đình (chiếm 55%) có sự lây truyền vi rút giữa bệnh nhân - người nhà, người nhà - người nhà. Đồng Tháp là một trong ba tỉnh khu vực phía Nam có số ca mắc TCM nhiều nhất với tổng cộng 5.463 ca mắc và 6 trường hợp tử vong trong năm 2011, chỉ đứng sau TP.HCM và Đồng Nai nhưng ở Đồng Tháp trẻ sống theo hộ gia đình còn ở Đồng Nai trẻ sống tạm trú theo cha mẹ làm công nhân ở khu công nghiệp nên rất khó theo dõi người nhà bệnh nhân. Do đó nhóm nghiên cứu do TS. BS Hoàng Quốc Cường, Viện Pasteur TP.HCM đứng đầu đã tiến hành thực hiện nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu sự lây truyền vi rút gây bệnh tay chân miệng tại hộ gia đình có ca bệnh ở Đồng Tháp”, Việt Nam năm 2013 -2015 nhằm mô tả đặc điểm dịch tễ học và vi sinh học bệnh TCM của bệnh nhân và người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân tại Đồng Tháp, Việt Nam, 2013-2015.
Nghiên cứu này là một trong những nghiên cứu đầu tiên về sự lây truyền bệnh TCM tại các hộ gia đình có ca bệnh tại Việt Nam. Sau một thời gian triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu đưa ra một số kết luận như sau:
Tỉ lệ mắc TCM ở bệnh nhân trong nghiên cứu là 74%, trên 90% là trẻ dưới 3 tuổi. Tỉ lệ nhiễm ở người nhà 25,5%. Chủng vi rút lưu hành vẫn là CA6, EV71, CA16 trong đó chiếm ưu thế là CA6. Nghiên cứu đưa ra bằng chứng xác thực việc lây truyền TCM chủ yếu xảy ra ở hộ gia đình, đặc biệt là trên trẻ nhỏ chưa đi học; cần lưu ý nhóm trẻ nhỏ hơn 1 tuổi, tỉ lệ lây truyền giữa các trẻ cùng nhà rất cao (22%). Qua phân tích giải trình tự, nghiên cứu cũng đã chỉ rõ giữa bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cùng nhiễm cùng genotype, điều này càng chứng tỏ việc lây truyền giữa các cá thể trong cùng một gia đình và cùng một nguồn lây. Tuy nhiên, để xác định ai là người nhiễm đầu tiên và lây cho những thành viên còn lại thì rất khó để xác định vì 3 lý do chính như sau: (1) Nghiên cứu không thể xác định ai có triệu chứng khởi phát đầu tiên trong hộ gia đình và đặc biệt trên người lớn không biểu hiện triệu chứng nên không thể dựa vào thời gian khởi phát bệnh để xác định ai nhiễm đầu tiên; (2) Xét nghiệm RT-PCR không thể xác định thời gian mắc nên cũng không thể xác định nguồn lây, mặt khác việc chỉ lấy mẫu bệnh phẩm làm RT-PCR trên bệnh nhân và người nhà một lần duy nhất khi bệnh nhân nhập viện mà không lấy mẫu những ngày sau đó rất khó để xác định nguồn lây nhiễm trong hộ gia đình; (3) Dựa vào mức tăng nồng độ trung hòa kháng thể có thể phỏng đoán thời gian mắc của các cá thể trong hộ gia đình, tuy nhiên cũng không thể khẳng định được nguồn lây chính xác. Do đó, cần một thiết kế nghiên cứu qui mô hơn, đặc biệt là việc lấy mẫu liên tục các cá thể trong hộ gia đình khi có người mắc đầu tiên để xác định chính xác nguồn lây trong hộ gia đình, Bên cạnh đó, bằng cách đo nồng độ kháng thể trung hòa kép trong 2 tuần theo dõi nghiên cứu cũng đưa ra được bằng chứng của phản ứng chéo giữa các týp vi rút gây bệnh như EV71, CA6, CA16, tuy nhiên hiện tượng này có thể có hai nguyên nhân là đồng nhiễm hai hoặc ba týp vi rút hoặc có miễn dịch chéo giữa các chủng vi rút cần phải nghiên cứu thêm để xác định chính xác hiện tượng này.
Nhóm nghiên cứu đề tài cũng đã xác định được khả năng nhiễm mới của các ca bệnh nhập viện cũng rất cao hơn 30%, vì thế việc chỉ dựa trên chẩn đoán lâm sàng để nhập viện cũng cần phải xem xét và đánh giá rất kỹ nếu không sẽ làm cho bệnh lây lan rất nhanh từ ca bệnh dương tính được chẩn đoán bằng kĩ thuật RT-PCR sang ca bệnh âm tính sau khi nhập viện. Yếu tố nguy cơ dùng chung đồ chơi là yếu tố rất quan trọng cần được quan tâm trong quá trình phòng chống dịch bệnh TCM, đặc biệt là truyền thông và hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc cách vệ sinh đồ chơi, đồ dùng chung của trẻ nơi có bệnh.
Nghiên cứu cũng đã chỉ ra người lớn, đặc biệt là người chăm sóc trẻ có thể là nguồn lây rất lớn và không biểu hiện triệu chứng. Chính vì thế việc vệ sinh cá nhân và tránh tiếp xúc trực tiếp trẻ nhỏ sau khi tiếp xúc ca bệnh nghi ngờ cần được truyền thông mạnh mẽ.
Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị cần chẩn đoán sớm các tác nhân gây bệnh bằng kỹ thuật RT-PCR multiplex để cách ly sớm các ca có triệu chứng nhưng không nhiễm TCM, cách ly sớm, can thiệp sớm, phòng ngừa lây truyền từ bố mẹ sang con, lây truyền giữa anh chị em trong cùng một gia đình bằng các biện pháp cụ thể như khử trùng đồ chơi, đồ dùng chung của trẻ. Đặc biệt, tránh để trẻ tiếp xúc với anh/chị/em cùng nhà nghi nhiễm TCM. Đặc điểm bệnh TCM do nhiều chủng vi rút gây bệnh nên nếu trẻ nhiễm một lần vẫn có thể nhiễm những lần sau, do đó vẫn phải luôn tích cực giữ gìn vệ sinh cho trẻ và người lớn tiếp xúc trực tiếp với trẻ để tránh nguy cơ lây lan cho trẻ cũng như cho những người xung quanh. Việc lây truyền bệnh xảy ra chủ yếu ở hộ gia đình do đó cần đẩy mạnh công tác truyền thông việc phòng chống bệnh TCM tại các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ gia đình có ca bệnh vì khả năng lây qua các hộ xung quanh là không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, hệ thống y tế dự phòng cần chẩn đoán nhanh, thông tin kịp thời đến địa phương các hộ có ca nhiễm để tăng cường công tác phòng ngừa bệnh trong và ngoài hộ gia đình.
Nhóm nghiên cứu cùng đề xuất mô hình chẩn đoán sớm và can thiệp sớm đối với các hộ có ca bệnh để giảm thiểu tối đa khả năng lây truyền bệnh.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14822/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)
nhiễm bệnh, tay chân, người nhà, tiếp xúc, gần gũi, lần lượt, kết quả, trung hòa, kháng thể, dương tính, nghiên cứu, chủ yếu, trường hợp