Người mắc bệnh tim vẫn có thể hiến máu
Cập nhật vào: Thứ sáu - 29/03/2024 00:06
Cỡ chữ
Khi các trung tâm máu và bệnh viện phải đối mặt với lượng cung cấp máu cực kỳ thấp, nhiều người mắc bệnh tim có thể tự hỏi liệu họ có thể giúp đỡ bằng cách hiến máu hay không. Các chuyên gia cho biết phần lớn họ có thể làm điều đó một cách an toàn. Thông thường, cứ hai giây lại có một người ở Hoa Kỳ cần máu vì những lý do có thể bao gồm phẫu thuật, điều trị ung thư, sinh con, thiếu máu, chấn thương nghiêm trọng hoặc rối loạn máu.
Tiến sĩ Alcinda Flowers cho biết: “Trên thực tế, một số lượng đáng ngạc nhiên những người hiến máu tiềm năng là những người có tiền sử bệnh tật, bao gồm cả bệnh tim, nhưng vẫn kiên định với mong muốn được hiến máu. Họ thường là những người muốn hiến tặng vì đã từng nằm viện và bản thân bị ảnh hưởng bởi nhu cầu về máu”.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), mỗi năm, hơn 11 triệu đơn vị máu toàn phần được hiến tặng ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 3% số người đủ điều kiện hiến máu, Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ cho biết. Vào tháng 1, tổ chức này đã báo cáo tình trạng thiếu nguồn cung cấp máu khẩn cấp sau khi số lượng người hiến máu đạt mức thấp nhất trong 20 năm. Các cơn bão mùa đông và số ca nhiễm COVID-19 gia tăng có thể làm gián đoạn thêm nguồn cung.
FDA quy định sự an toàn của các sản phẩm máu chủ yếu để bảo vệ người nhận máu và những yêu cầu hiến máu có thể khác nhau ở các trung tâm máu. Một số trung tâm máu sàng lọc tất cả những người hiến máu tiềm năng bằng một bảng câu hỏi để xác định xem người nào có thể hiến máu một cách an toàn. Theo Viện Y tế Quốc gia, những người bị cảm lạnh hoặc cúm không thể hiến máu cho đến khi họ không có triệu chứng trong 48 giờ, với những hạn chế khác nhau đối với COVID-19 và các tình trạng khác.
Tuy nhiên, những người mắc bệnh tim có thể được xem xét hiến máu. Ngoài ra, hầu hết những người bị huyết áp cao đều có thể hiến máu nếu huyết áp tâm thu (chỉ số trên) dưới 180 mm thủy ngân và huyết áp tâm trương (chỉ số dưới) là 100 mmHg tại thời điểm hiến. Hội Chữ thập đỏ khuyến nghị chờ đợi sáu tháng hoặc lâu hơn đối với những người bị đau tim, cơn đau thắt ngực gần nhất, phẫu thuật bắc cầu hoặc nong mạch vành hoặc nếu tình trạng tim thay đổi dẫn đến thay đổi thuốc.
Tiến sĩ Alcinda Flowers cho biết: Những người sử dụng thuốc làm loãng máu hoặc các loại thuốc chống đông máu; chống tiểu cầu khác phải nói rõ tất cả các trong quá trình kiểm tra sức khỏe vì việc hiến máu có thể gây hại cho họ cũng như người nhận. Những người mắc bệnh tim nên kiểm tra với đội ngũ chăm sóc sức khỏe của họ trước khi hiến máu.
Tiến sĩ- bác sĩ Tochi Okwuosa-giám đốc chương trình tim mạch-ung thư tại Trung tâm Y tế Đại học Rush ở Chicago, cho biết: Theo nguyên tắc chung, những người có lượng huyết sắc tố thấp không nên hiến máu. Hội Chữ thập đỏ yêu cầu người hiến tặng nữ phải có mức huyết sắc tố tối thiểu là 12,5 gam/dL và nam phải có mức huyết sắc tố tối thiểu là 13 g/dL. Đó là vì huyết sắc tố quyết định khả năng vận chuyển oxy của máu. Và những người hiến tặng có thể gặp rủi ro là không có đủ oxy được vận chuyển đến các mô và cơ quan của họ. Những người hiến tặng bị suy tim có thể trải qua một cơn khủng hoảng, trong khi những người mắc bệnh động mạch vành có thể đối mặt với cơn đau tim. Còn nhóm mắc bệnh tim cũng có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc khó thở hơn sau khi hiến máu, hoặc nếu họ đang dùng thuốc lợi tiểu, có thể bị mất nước nhiều hơn và ngất xỉu. Nhưng hiến máu sẽ tốt cho những người bị huyết áp cao hoặc cholesterol cao được kiểm soát tốt.
Cuối cùng, nếu bạn đủ sức khỏe để làm điều đó, việc hiến máu có thể mang lại lợi ích cho tất cả mọi người vì việc giúp đỡ người khác có thể mang lại cảm giác vui vẻ.
Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com, 3/2024