Phát hiện mối liên hệ giữa nhiễm khuẩn và bệnh Alzheimer
Cập nhật vào: Thứ ba - 17/12/2024 12:11 Cỡ chữ
Một nghiên cứu mới của phòng thí nghiệm Gut Biome tại Đại học Bang Florida đã tiết lộ một mối liên hệ tiềm năng giữa nhiễm khuẩn đường ruột và sự tiến triển của bệnh Alzheimer. Nghiên cứu này phát hiện rằng vi khuẩn Klebsiella pneumoniae-một loại vi khuẩn phổ biến gây nhiễm trùng trong bệnh viện, có thể di chuyển từ đường ruột vào máu và cuối cùng xâm nhập vào não.
Sự xâm nhập này có thể dẫn đến viêm não gia tăng và suy giảm chức năng nhận thức, bắt chước các triệu chứng của bệnh nhân Alzheimer. Công trình này được công bố trên tạp chí Journal of Infectious Diseases.
Giáo sư trợ lý Ravinder Nagpal cho biết: “Việc nằm viện, thời gian ở phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) và việc sử dụng kháng sinh có thể làm giảm sự đa dạng của hệ vi sinh đường ruột, khiến người cao tuổi có nguy cơ cao hơn không chỉ về các vấn đề tiêu hóa mà còn đối với các bệnh lý ngoài ruột như rối loạn thoái hóa thần kinh do sự mất cân bằng của trục ruột-não”.
Nghiên cứu này là lần đầu tiên cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa nhiễm khuẩn K. pneumoniae và bệnh lý Alzheimer, mở ra một lĩnh vực nghiên cứu mới điều tra cách các tác nhân lây nhiễm có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm bệnh Alzheimer. Nó cũng tạo cơ sở cho các nghiên cứu trong tương lai về cách điều trị các tác nhân lây nhiễm có hại ở các nhóm dân số dễ bị tổn thương như người cao tuổi hoặc những người hồi phục sau nhiễm trùng máu.
Nghiên cứu gợi ý rằng khi kháng sinh gây rối loạn hệ vi sinh đường ruột, nó có thể dẫn đến các vấn đề không chỉ ở đường ruột mà còn ở não. Sử dụng mô hình chuột, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với kháng sinh làm suy giảm sự đa dạng vi khuẩn trong ruột và gây mất cân bằng hệ vi sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của K. pneumoniae.
Khi điều này xảy ra, K. pneumoniae có thể di chuyển từ ruột vào máu, vượt qua lớp niêm mạc ruột và cuối cùng xâm nhập vào não, gây viêm thần kinh và suy giảm nhận thức. Những phát hiện này nhấn mạnh nguy cơ tiềm ẩn mà các bệnh nhiễm trùng trong bệnh viện như K. pneumoniae có thể gây ra trong sự phát triển của các bệnh thoái hóa thần kinh.
Giáo sư Nagpal nhận định: “Nhiễm trùng bệnh viện và nhiễm trùng huyết là một trong những yếu tố nguy cơ có thể gia tăng khuynh hướng bị viêm thần kinh và suy giảm nhận thức trong tương lai, đặc biệt là ở người cao tuổi”.
Nghiên cứu này làm nổi bật nhu cầu phát triển các phương pháp điều trị sáng tạo nhằm đối phó với sự gia tăng của bệnh Alzheimer, bên cạnh các liệu pháp hiện có liên quan đến protein amyloid và tau. Nghiên cứu trong tương lai có thể cung cấp cái nhìn sâu hơn về các chiến lược phòng ngừa nhằm quản lý các tác nhân gây bệnh trong bệnh viện và bảo vệ sức khỏe nhận thức của người cao tuổi.
Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/, 2024