Phương pháp mới chữa men răng
Cập nhật vào: Thứ sáu - 06/09/2019 15:33 Cỡ chữ
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Chiết Giang và Đại học Hạ Môn đã tìm ra cách sửa chữa men răng cho người. Trong bài báo được công bố trên tạp chí Science Advances, các nhà khoa học đã mô tả cụ thể quy trình thử nghiệm.
Con người đã chiến đấu với tình trạng sâu răng trong hàng nghìn năm qua. Nhiều người bị mất lớp men cứng bảo vệ răng khỏi bị sâu và khi bị mất, lớp men răng không bao giờ phụ hồi lại được. Phương pháp điều trị thông thường hiện nay liên quan đến việc loại bỏ phần răng bị sâu và lấp đầy bằng vật liệu thay thế cứng. Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã tìm cách thay thế men răng khi men bị mất nhưng cho đến nay, những nỗ lực này vẫn chưa dẫn đến sự thay thế phù hợp. Trong nỗ lực mới, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã tìm ra giải pháp.
Để chữa men răng bị hư hại, đầu tiên các nhà nghiên cứu đã tạo ra các cụm canxi photphat cực nhỏ (đường kính 1,5 nanomet), thành phần chính của men răng tự nhiên. Mỗi cụm nhỏ sau đó được xử lý bằng hợp chất hóa học triethylamine để ngăn các cụm không bị vón lại với nhau. Các cụm này được trộn với một loại gel dùng cho mẫu hydroxyapatite tinh thể, vật liệu rất giống men răng của con người. Thử nghiệm đã chứng minh các cụm hợp nhất với khung đỡ răng và đã tạo ra một lớp phủ mẫu. Lớp phủ được sắp xếp chắc chắn hơn nhiều. Độ chắc chắn cho phép vật liệu mới hợp nhất với lớp cũ dưới dạng một lớp, thay vì nhiều vùng kết tinh.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm cùng loại bằng răng người thật đã được xử lý bằng axit để loại bỏ men răng. Trong vòng 48 giờ sau khi sử dụng, các lớp tinh thể khoảng 2,7 micromet đã hình thành trên răng. Kiểm tra kỹ lưỡng bằng kính hiển vi cho thấy lớp có cấu trúc vảy cá rất giống với lớp men tự nhiên. Thử nghiệm vật lý cho thấy men răng gần giống với men tự nhiên về độ bền và khả năng chống mài mòn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng cần nghiên cứu thêm trước khi các nha sỹ có thể sử dụng kỹ thuật mới, chủ yếu để đảm bảo rằng kỹ thuật không gây bất cứ tác dụng phụ nào.
N.P.D (NASATI), theo https://phys.org/news/2019-09-tooth-enamel.html, 9/2019
nghiên cứu, đại học, chiết giang, sửa chữa, công bố, tạp chí, nhà khoa học, mô tả, cụ thể, quy trình