Phương pháp tiêm vắc xin có triển vọng chống nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát
Cập nhật vào: Thứ năm - 16/12/2021 22:58 Cỡ chữ
Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Texas tại Hoa Kỳ đang nghiên cứu sử dụng vắc xin tế bào để chống nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) trong một phần nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng nghiêm trọng.
Nhóm nghiên cứu đã chứng minh việc sử dụng khung hữu cơ kim loại (MOFs) để bao bọc và bất hoạt toàn bộ tế bào vi khuẩn để tạo nên một "kho chứa", cho phép vắc xin tồn tại lâu hơn trong cơ thể.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí ACS Nano của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ, cho thấy phương pháp này được thử nghiệm trên chuột, đã tạo ra khả năng sản sinh kháng thể tăng cường và tỷ lệ sống sót cao hơn nhiều so với các phương pháp khác.
TS. Nicole De Nisco, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Tiêm vắc xin để điều trị UTI tái phát đang được nghiên cứu vì thuốc kháng sinh không còn tác dụng nữa. Bệnh nhân đang mất khả năng được cứu sống vì vi khuẩn không thể bị tiêu diệt bởi thuốc kháng sinh hoặc do dị ứng quá mức với thuốc kháng sinh, đặc biệt phổ biến ở người cao tuổi".
Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ ước tính mỗi năm có 150 triệu ca UTI trên toàn thế giới, tiêu tốn 6 tỷ đô la chi phí y tế. Nếu không được điều trị thành công, UTI có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây tử vong. UTI tái phát chủ yếu được coi là vấn đề sức khỏe của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ sau giai đoạn mãn kinh.
TS. De Nisco cho rằng: “Lần nhiễm UTI sau sẽ khó điều trị hơn lần nhiễm bệnh trước. Ngay cả khi bạn loại bỏ vi khuẩn khỏi bàng quang, chúng vẫn tồn tại ở vị trí khác và thường kháng mọi loại kháng sinh. Khi bệnh nhân rơi vào tình trạng kháng thuốc, họ sẽ hết các khả năng lựa chọn".
Vắc xin hoạt động bằng cách đưa vào cơ thể một lượng nhỏ vi khuẩn gây bệnh đã chết hoặc bị suy yếu hoặc một số thành phần của chúng. Các kháng nguyên này thúc đẩy hệ miễn dịch sản sinh kháng thể chống lại một căn bệnh cụ thể. Việc bào chế vắc xin chống lại vi khuẩn gây bệnh vốn đã khó vì vi khuẩn lớn hơn và phức tạp hơn nhiều virus. Lựa chọn những thành phần sinh học nào để tạo ra kháng nguyên đặt ra thách thức lớn. Do đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng toàn bộ tế bào hơn là chỉ một đoạn vi khuẩn.
Khung kim loại-hữu cơ mà nhóm nghiên cứu đã tạo ra, bao bọc và cố định tế bào vi khuẩn trong một ma trận cao phân tử tinh thể, không chỉ tiêu diệt vi khuẩn mà còn bảo quản và ổn định tế bào đã chết khỏi nhiệt độ cao, độ ẩm và dung môi hữu cơ.
Trong các thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã sử dụng chủng khuẩn Escherichia coli. Không có vắc-xin chống lại bất kỳ chủng gây bệnh nào của vi khuẩn này. Vi khuẩn Uropathogenic E. coli là nguyên nhân gây ra khoảng 80% các trường hợp UTI trong cộng đồng.
TS. Jeremiah Gassensmith, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Khi chúng tôi thử tiêm vi khuẩn gây chết người cho những con chuột sau khi chúng được tiêm vắc xin, hầu như tất cả đều sống sót. Kết quả này đã được lặp lại nhiều lần và chúng tôi khá ấn tượng với độ tin cậy của nó".
Mặc dù phương pháp này vẫn chưa được thử nghiệm trên người, nhưng TS. De Nisco cho rằng nó sẽ giúp ích cho hàng triệu bệnh nhân. Ngoài nhiễm trùng UTI, các nhà nghiên cứu tin rằng phương pháp tạo kho kháng nguyên có thể được sử dụng rộng rãi cho các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, bao gồm cả viêm nội tâm mạc và bệnh lao.
N.P.D (NASATI), theo https://phys.org/news/2021-11-scientists-vaccine-method-recurrent-uti.html, 11/2021