Số người mắc chứng tự kỷ trên toàn cầu đạt 61,8 triệu
Cập nhật vào: Thứ năm - 09/01/2025 00:07 Cỡ chữ
Theo một bài đánh giá được công bố trên tạp chí The Lancet Psychiatry, tỷ lệ mắc bệnh và thứ hạng gánh nặng không tử vong của chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) trên toàn cầu đang ở mức cao.
Tiến sĩ Damian Santomauro đến từ Đại học Queensland ở Archerfield-Úc, cùng đồng nghiệp đã thực hiện tổng quan hệ thống các tài liệu để ước tính tỷ lệ mắc bệnh và gánh nặng sức khỏe của chứng rối loạn phổ tự kỷ trên toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng vào năm 2021, ước tính có 61,8 triệu cá nhân mắc chứng tự kỷ trên toàn cầu. Tỷ lệ mắc bệnh chuẩn hóa theo độ tuổi trên toàn cầu là 788,3, tương đương với 1.064,7 nam và 508,1 nữ mắc chứng tự kỷ trên 100.000 nam và nữ.
ASD là một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn cầu và được đo lường thông qua chỉ số DALY (Disability-Adjusted Life Year – số năm sống được điều chỉnh theo mức độ bệnh tật). Theo thống kê, ASD chiếm 11,5 triệu DALY trên toàn thế giới, tương đương với 147,6 năm sống bị ảnh hưởng bởi bệnh tật trên mỗi 100.000 người. Con số này thể hiện mức độ nghiêm trọng của ASD, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn tạo gánh nặng lớn cho các hệ thống y tế và xã hội.
Tỷ lệ DALY chuẩn hóa theo độ tuổi dao động đáng kể giữa các khu vực. Ở Đông Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương, cũng như các khu vực có thu nhập siêu cao, gánh nặng này dao động từ 126,5 đến 204,1 DALY trên 100.000 người. Điều này phản ánh sự khác biệt về khả năng chẩn đoán và quản lý rối loạn phổ tự kỷ giữa các vùng. Các khu vực có hệ thống y tế phát triển hơn thường báo cáo tỷ lệ cao hơn do khả năng phát hiện sớm và ghi nhận đầy đủ các trường hợp.
ASD gây ảnh hưởng lớn nhất đến trẻ em dưới 5 tuổi, với tỷ lệ 169,2 DALY trên 100.000 người. Khi trẻ lớn lên, gánh nặng bệnh tật này giảm dần nhưng vẫn ở mức cao, với 163,4 DALY trên 100.000 người ở nhóm dưới 20 tuổi và 137,7 DALY trên 100.000 người ở nhóm trên 20 tuổi. Sự suy giảm này có thể liên quan đến việc các triệu chứng của ASD trở nên ổn định hơn theo thời gian, hoặc người lớn học được cách thích nghi tốt hơn với các khó khăn mà rối loạn này gây ra.
Một trong những khía cạnh đáng chú ý là ASD nằm trong nhóm 10 nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng sức khỏe không tử vong đối với trẻ em và thanh thiếu niên dưới 20 tuổi. Điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của rối loạn phổ tự kỷ lên chất lượng sống, bao gồm khả năng giao tiếp, học tập và tham gia các hoạt động xã hội. Mặc dù không gây tử vong trực tiếp, rối loạn này vẫn tạo ra những thách thức lớn đối với cá nhân mắc bệnh, gia đình họ và cả cộng đồng.
Nhóm tác giả cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng nghiên cứu này sẽ cung cấp nền tảng cho các nghiên cứu và can thiệp chính sách trong tương lai, để các bên liên quan chính làm việc để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu riêng của tất cả những người tự kỷ, góp phần tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn, toàn diện hơn và hiểu biết hơn".
Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com/, 1//2025