Sớm đưa gluten vào chế độ ăn có thể ngăn ngừa bệnh celiac ở trẻ
Cập nhật vào: Thứ sáu - 02/10/2020 15:05 Cỡ chữ
Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sớm đưa gluten liều cao vào chế độ ăn của trẻ sơ sinh từ 4 tháng tuổi có thể ngăn ngừa phát trẻ phát triển chứng bệnh celiac.
Kết quả nghiên cứu, do các nhà nghiên cứu đến từ Trường Đại học King's College London, Guy's và St Thomas 'NHS Foundation Trust, St George's, Đại học Luân Đôn, và Viện nghiên cứu Benaroya thực hiện đã được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics gần đây, đề xuất sớm sử dụng gluten liều cao có thể là một chiến lược phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho biết cần phải có những nghiên cứu sâu hơn nữa trước khi áp dụng vào thực tế.
Bệnh celiac là một căn bệnh tự miễn, theo đó việc tiêu thụ gluten sẽ khiến cho hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công lại các mô của chính nó. Hiện tại không có cách hiệu quả nào để ngăn ngừa bệnh celiac và cách điều trị chính là loại trừ lâu dài gluten khỏi chế độ ăn. Chỉ cần một lượng rất nhỏ gluten trong chế độ ăn uống của những người bị bệnh celiac cũng có thể gây ra những tổn thương niêm mạc ruột, ngăn cản sự hấp thụ thức ăn thích hợp và dẫn đến các triệu chứng bao gồm đầy hơi, nôn mửa, tiêu chảy, táo bón và mệt mỏi.
Các nghiên cứu trước đây khám phá ra rằng việc đưa gluten sớm vào chế độ ăn của trẻ sơ sinh đã làm thay đổi lượng gluten tiêu thụ và thời điểm đưa vào cơ thể. Nghiên cứu EAT đã khảo sát tác động của gluten ở trẻ sơ sinh từ 4 tháng tuổi bú cả sữa mẹ. Các kết quả này được so sánh với những đứa trẻ tránh hoàn toàn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng và chỉ bú sữa mẹ cho đến sáu tháng tuổi theo hướng dẫn của chính phủ Vương quốc Anh.
Trẻ sơ sinh trong nhóm can thiệp của nghiên cứu EAT được cung cấp 4g protein lúa mì mỗi tuần từ 4 tháng tuổi, dưới dạng hai chiếc bánh quy ngũ cốc làm từ lúa mì, chẳng hạn như bánh Weetabix, sản phẩm chứa một phần lúa mì phù hợp với lứa tuổi. Sau đó nhóm nghiên cứu đã kiểm tra kháng thể kháng thể antitransglutanimase, một chỉ số của bệnh celiac, ở 1004 trẻ em. Đối với những trẻ có mức kháng thể tăng lên sẽ được bác sĩ chuyên khoa tiến hành kiểm tra thêm.
Kết quả cho thấy trong số những trẻ trì hoãn đưa gluten vào chế độ ăn cho đến sau sáu tháng tuổi, tỷ lệ mắc bệnh celiac ở trẻ ba tuổi cao hơn dự kiến - 1,4% trong nhóm 516 trẻ này. Ngược lại, trong số 488 trẻ được đưa gluten vào chế độ ăn từ lúc bốn tháng tuổi, không có trường hợp nào bị bệnh celiac.
Gideon Lack, giáo sư về dị ứng nhi khoa tại Đại học King's College London, người đứng đầu Trung tâm dịch vụ dị ứng trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng Evelina London, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Đây là nghiên cứu đầu tiên cung cấp bằng chứng cho thấy việc đưa một lượng đáng kể lúa mì vào chế độ ăn của trẻ trước 6 tháng tuổi có thể ngăn ngừa sự phát triển của bệnh celiac. Chiến lược này cũng có thể có tác động đến các bệnh tự miễn dịch khác như bệnh tiểu đường tuýp 1”.
Tuy nhiên, tiến sĩ Kirsty Logan, nhà nghiên cứu về dị ứng nhi khoa tại Đại học King's College London cho biết rằng, việc đưa gluten vào chế độ ăn cho trẻ từ sớm và vai trò của nó trong việc ngăn ngừa bệnh celiac cần được nghiên cứu sâu thêm để có câu trả lời chính xác cho vấn đề này.
P.T.T (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2020-09-early-introduction-gluten-celiac-disease.html, 28/5/2020
nghiên cứu, phát hiện, chế độ, sơ sinh, có thể, ngăn ngừa, phát triển