Tại sao Covid-19 lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở một số người?
Cập nhật vào: Thứ tư - 27/04/2022 01:06 Cỡ chữ
Các nghiên cứu gần đây cho thấy nhiễm coronavirus có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 hoặc hiếm hơn là bệnh tiểu đường loại 1 ở một số người. GS. Pr Eric Renard, Trưởng khoa tiểu đường tại Bệnh viện Đại học Montpellier (Pháp), đã đưa ra lời giải thích dưới đây.
Các nhà khoa học đã chú ý đến nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường sau khi nhiễm trùng Sars-Cov2. Được công bố vào ngày 21 tháng 3 năm 2022, một nghiên cứu của Mỹ trên 200.000 người cho thấy bệnh tiểu đường có thể là một di chứng của bệnh nhiễm trùng. Một công trình nghiên cứu khác, được thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu người Đức và được công bố trên tạp chí Diabetologia vào ngày 16 tháng 3 năm 2022, so sánh hai nhóm bệnh nhân sau khi họ tham vấn với một bác sĩ đa khoa: nhóm đầu tiên bị nhiễm Covid, nhóm thứ hai bị nhiễm trùng đường hô hấp do một loại vi rút không phải là coronavirus. Kết quả: nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 tăng 28% ở nhóm thứ nhất so với nhóm thứ hai.
Cộng đồng các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân tiểu đường đang rất quan tâm vấn đề này. Theo GS. Eric Renard, Phó chủ tịch của Hiệp hội Đái tháo đường ở Pháp, cần phải phân biệt hai tình huống: một mặt, bệnh tiểu đường loại 2 xảy ra mà không thực sự gây ngạc nhiên ở những bệnh nhân dễ mắc, mặt khác, các trường hợp bệnh tiểu đường loại 1 bất ngờ hơn ở trẻ em, thanh thiếu niên hoặc đôi khi người lớn.
Phần lớn các trường hợp mắc bệnh tiểu đường xuất hiện sau Covid là "loại 2". Điều này cho thấy nguy cơ ở những bệnh nhân mắc Covid có thể dẫn đến mắc bệnh tiểu đường loại 2. Căn bệnh này thường xảy ra vào độ tuổi khoảng 50 tuổi, ở những người thừa cân và ít vận động, hoặc những người có tiền sử gia đình. Dần dần, lượng đường trong máu của họ (glycaemia) bắt đầu tăng lên. Cơ thể của họ đề kháng với insulin, hormone chịu trách nhiệm điều chỉnh lượng đường trong máu suốt cả ngày. Ở những người này, các tế bào beta, trong tuyến tụy, tiết ra insulin, không bị phá hủy. Chúng tiếp tục hoạt động, nhưng có những hạn chế.
Bệnh tiểu đường loại 2 này tiến triển mà không có triệu chứng. Chỉ có xét nghiệm đường huyết mới có thể tiết lộ điều đó. Người bệnh bắt đầu phát triển tiền tiểu đường, đặc trưng bởi lượng đường trong máu lúc đói được đo nhiều lần trong khoảng từ 1 đến 1,25 gam mỗi lít (g/l). Giáo sư Renard cho biết: “Người ta ước tính rằng hiện nay ở Pháp có khoảng 500.000 đến 1 triệu người bị tiền tiểu đường. Chẩn đoán bệnh tiểu đường được thực hiện khi lượng đường trong máu lúc đói được đo ít nhất hai lần trên 1,26 g/l.
Trước đó, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Chăm sóc y tế St. Louis của Bộ Cựu chiến binh Mỹ (VA) đã đánh giá hồ sơ bệnh án của 181.000 bệnh nhân thuộc bộ trên được chẩn đoán mắc COVID-19 trong giai đoạn từ ngày 1/3/2020-30/9/2021. Ngay cả những người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc hoàn toàn không triệu chứng cũng có thể phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2. Nguy cơ này gia tăng tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng COVID-19. Những người mắc COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong vòng một năm cao hơn những người không mắc.
P.A.T (NASATI), theo https://www.santemagazine.fr/, 20/4/2022