Flashfood và hành trình từ ý tưởng giảm lãng phí thực phẩm đến startup triệu đô: bài học cho doanh nhân xã hội
Cập nhật vào: Thứ tư - 04/12/2024 00:12 Cỡ chữ
Josh Domingues, khi tạo ra ứng dụng Flashfood để bán thực phẩm không hoàn hảo với giá ưu đãi, chỉ nghĩ tới sứ mệnh giảm thiểu lãng phí thực phẩm, chứ không phải lợi nhuận. Tuy nhiên, từ ý tưởng ban đầu nhằm giảm lượng thực phẩm bị bỏ phí, Flashfood đã trở thành một công ty triệu đô, cho thấy sứ mệnh bền vững có thể dẫn đến thành công tài chính ngoài mong đợi. Nhìn lại hành trình của Domingues, các doanh nhân xã hội có thể rút ra những bài học quý báu từ những thành công và thất bại của anh.
Vào tháng 10 năm 2016, Domingues, lúc đó là một doanh nhân trẻ 27 tuổi, từ bỏ công việc quản lý cầu thủ khúc côn cầu để tập trung vào dự án bán thực phẩm gần hết hạn với giá chiết khấu. Khi ứng dụng Flashfood thử nghiệm lần đầu tại một siêu thị ở Toronto, kết quả không như mong đợi: khách hàng bất mãn, quản lý cửa hàng tức giận. Nhưng động lực thôi thúc anh tiếp tục dự án là cam kết giảm lãng phí thực phẩm - một trong những tác nhân lớn gây ra khí thải nhà kính. Tám năm sau, Domingues đã chứng minh sự đúng đắn của mình. Hiện tại, Flashfood đã có mặt tại hơn 2.000 siêu thị ở Mỹ và Canada, ngăn chặn được 65 triệu pound thực phẩm gần hết hạn bị lãng phí, và hạn chế 130 triệu pound khí thải nhà kính.
Domingues là một minh chứng sống động cho triết lý kinh doanh xã hội "đặt mục đích lên trên lợi nhuận". Điều khiến anh trở nên đặc biệt không phải chỉ là ý tưởng mà là niềm tin và quyết tâm của anh để giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm - một vấn đề nhức nhối toàn cầu. Bằng sự kiên định với mục tiêu, Domingues đã biến một ý tưởng vốn không độc quyền, với tỷ suất lợi nhuận cực thấp, thành một công ty phục vụ khách hàng khắp Bắc Mỹ.
Năm 2016, Domingues chưa để tâm nhiều tới lãng phí thực phẩm cho tới khi chị gái anh, một nhà tổ chức sự kiện, kể rằng cô phải bỏ đi thực phẩm trị giá 4.000 USD sau một buổi tiệc. Sự việc này đã khiến anh tìm hiểu và phát hiện rằng thực phẩm lãng phí có thể nuôi sống 800 triệu người. Để thử nghiệm, anh mua 200 đô la thực phẩm "không đẹp mắt" và bán thử ở một ngã tư đông đúc ở Toronto. Tất cả thực phẩm bán hết chỉ trong 20 phút, cho thấy nhu cầu lớn cho sản phẩm giá rẻ.
Khi Domingues gặp một cựu giám đốc điều hành chuỗi siêu thị lớn ở Canada, người này nói rằng chỉ riêng 39 cửa hàng của họ đã lãng phí 110 triệu đô la thực phẩm trong một năm. Sự lãng phí khổng lồ này thúc đẩy Domingues quảng bá ý tưởng Flashfood tới các chuỗi siêu thị, theo đó khách hàng có thể mua thực phẩm gần hết hạn với giá chiết khấu, và các siêu thị có thể tận dụng được nguồn thực phẩm lẽ ra bị bỏ phí. Tuy nhiên, sau hàng loạt lần bị từ chối, Farm Boy, chuỗi siêu thị cao cấp tại Canada, đã đồng ý thử nghiệm với Domingues.
Ban đầu, dự án Farm Boy gặp thất bại vì khách hàng đến thẳng ki-ốt bán hàng mà không tải ứng dụng, gây ùn tắc và làm quản lý cửa hàng không hài lòng. Sau sự cố này, Domingues đã nghiên cứu các hướng đi khác như thu gom thức ăn thừa từ nhà hàng hoặc bán hàng trực tiếp từ trang trại tới khách hàng. Tuy nhiên, anh nhận ra mô hình hợp tác với siêu thị là phương án tối ưu để mở rộng quy mô. Năm 2023, Flashfood đã hiện diện tại hơn 2.000 siêu thị với doanh thu khoảng 15 triệu đô la, giúp tiết kiệm một triệu pound thực phẩm cho khách hàng.
Theo Reza Satchu, một giảng viên kinh doanh, hành trình của Domingues mang đến ba bài học cho các doanh nhân xã hội. Thứ nhất, không có con đường lý tưởng để thành công. Các nhà sáng lập nên tập trung vào việc học hỏi, điều này đồng nghĩa với việc đưa ra các quyết định có hệ quả. Thứ hai, hãy hành động ngay theo tầm nhìn của mình, đừng chờ đến lúc đủ tiềm lực tài chính. Nhiều người muốn tạo doanh nghiệp xã hội sau khi đã tích lũy đủ vốn, nhưng thực tế có thể không bao giờ đến thời điểm lý tưởng đó. Thứ ba, sứ mệnh và mục tiêu xã hội là tài sản vô hình quý giá. Khi ai đó thấy bạn quyết tâm thay đổi thế giới, họ sẽ ủng hộ bạn - từ những nhân viên đầu tiên đến những khách hàng đầu tiên.
Domingues đã biến một ý tưởng tưởng chừng đơn giản thành hiện thực, đồng thời truyền cảm hứng cho các doanh nhân xã hội khám phá ý tưởng mới. Theo Satchu, Domingues không ngừng đưa ra ý tưởng và dành thời gian để khám phá chúng, biết đâu ý tưởng đó sẽ là Flashfood tiếp theo, một giải pháp nhỏ mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng.
N.P.A (NASATI) theo Havard Business School, 2024