Phát triển khu công nghiệp thông minh đáp ứng xu thế cách mạng công nghiệp 4.0
- Thứ sáu - 31/07/2020 00:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phát triển khu công nghiệp- khu chế xuất (KCN- KCN) thông minh sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) có thể rút ngắn thời gian và chi phí trong việc tìm kiếm, đánh giá những công nghệ mới nổi. Ngoài ra, đối với những DN vừa và nhỏ, đây sẽ là cơ hội trải nghiệm và ứng dụng các công nghệ đó một cách dễ dàng hơn, từ đó đẩy nhanh quá trình số hóa DN.
Nhiều ứng dụng phát triển KCN thông minh đã được các DN CNTT giới thiệu đến DN.
Ưu tiên phát triển KCN thông minh
Đó là nhận định của các chuyên gia tại chuỗi hội thảo KCN thông minh do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), Ban Quản lý các KCX- KCN thành phố (HEPZA), Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng tổ chức, ngày 30/7.
Bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc ITPC cho biết: mục tiêu của việc tổ chức xúc tiến đầu tư ngành công nghệ thông tin theo định hướng chung của TP. Hồ Chí Minh, phát triển các KCN - KCX theo mô hình KCN thông minh, đáp ứng xu thế chung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Giúp các DN trong các KCN - KCX có cơ hội tìm hiểu, ứng dụng các công nghệ nhằm cải tiến hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh, định hướng phát triển theo hình mẫu thông minh, đáp ứng xu thế phát triển nhanh chóng của Việt Nam và thế giới.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc QTSC cho biết: QTSC đã và đang triển khai xây dựng mô hình đô thị thông minh tại Công viên phần mềm Quang Trung, với ba mục tiêu chính, đó là nâng cao chất lượng quản trị, điều hành; gia tăng sự hài lòng của cộng đồng nội khu và phát triển thương hiệu. Qua đó, hiệu quả mang lại rất đáng ghi nhận như giảm tối đa thời gian cung cấp thông tin cho khách hàng từ hai ngày (tương đương 2.880 phút) xuống còn hai phút. Giảm chi phí chuyển thông tin cho khách hàng từ 15.000 đồng xuống còn 3.000 đồng/khách hàng.
Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra cuộc cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất. Xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong các công nghệ và quy trình sản xuất ngày càng được đẩy mạnh. Vì thế phát triển KCN thông minh trở thành sự lựa chọn tối ưu cho DN.
Nhiều ứng dụng phát triển KCN thông minh
Theo ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội các DN KCN TP. Hồ Chí Minh, hiện có hơn 20 ứng dụng, giải pháp nhằm tối ưu quản trị DN sản xuất đến từ các DN như QTSC, TMA, Sao Bắc Đẩu, Lạc Việt, AES, FSI... giúp nhà quản lý và DN trong các KCN có những trải nghiệm về một số công nghệ mới được ứng dụng trong các KCN thông minh.
Chia sẻ cho các DN trong các KCN ứng dụng chuyển đổi số và giải pháp làm giàu dữ liệu, ông Bùi Ngọc Bình- Phó Giám đốc chi nhánh Công ty FSI cho biết: chuyển đổi số đều đề cập đến việc ứng dụng các công nghệ vào giải quyết các hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành quản lý của DN. Quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang DN số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IOT), điện toán đám mây (Cloud)… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty… Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, DN được nâng cao.
Ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký Hiệp hội các DN KCN TP. Hồ Chí Minh cho hay: việc xây dựng hệ thống các KCN- KCX thông minh thông qua việc ứng dụng các sản phẩm CNTT trong việc thực hiện kết nối giao thương, xây dựng chuỗi cung ứng cho các DN KCN- KCX đã trở thành xu thế chung trên toàn thế giới và đang được chính quyền thành phố khuyến khích thực hiện. Công nghệ thông tin có sức mạnh thay đổi cục diện của một nền sản xuất, kinh doanh khi mọi thứ đều tự động hóa sẽ giúp DN có thể dễ dàng kiểm soát toàn bộ hệ thống thông qua các thiết bị thông minh.
Qua việc cung cấp một hạ tầng kế nối minh bạch, công bằng lấy tính hiệu quả trong việc quản trị, giúp DN gia tăng giá trị qua việc kết nối, tương tác với đối tác, với thị trường toàn cầu. Dữ liệu được chuẩn hóa trên quy mô lớn với các ngành nghề kinh doanh khác nhau, các DN, nhiều chủng loại, sản phẩm đa dạng giúp DN trong việc quản trị chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu khắt khe nhất, tối ưu nhất theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo Báo Công thương