Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản khu vực Nam Bộ

Ở Việt Nam có các giống loài thủy sản bản địa có nhiều ưu điểm như có tính đa dạng sinh học cao thích nghi với nhiều điều kiện sinh thái đa dạng và khác biệt. Đây chính là nguồn tài nguyên quý để lai tạo và cải tiến các giống nuôi mới. Tuy nhiên, trong những năm qua do sự gia tăng dân số với tốc độ nhanh dẫn đến nhu cầu thực phẩm thủy sản ngày càng lớn; hậu quả là người dân đánh bắt quá mức với cường độ khai thác cao đã làm cho nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực nội địa có sự suy giảm nhanh chóng. Thêm vào đó, sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác cũng tác động đến việc suy giảm nguồn lợi thuỷ sản như môi trường bị ô nhiễm, các bãi giống và bãi đẻ bị mất do hoạt động xây dựng của các công trình thủy điện và thủy lợi. Mặt khác nếu khai thác nguồn gen trong phạm vi hẹp, đa dạng di truyền thấp sẽ giảm cơ hội tạo ra con giống chất lượng tốt và tăng khả năng thoái hóa giống. Vì vậy để phát triển được chương trình cải tạo giống trong thủy sản thì trước mắt là phải thu thập, thuần dưỡng được các nguồn gen để đảm bảo đa dạng về di truyền.

Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề bảo tồn, lưu giữ nguồn gen các giống loài thủy sản, từ năm 1996 Bộ Thủy sản đã giao Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (NCNTTS) 1, Viện NCNTTS 2, Viện NCNTTS 3 và Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và lưu giữ các nguồn gen với mục tiêu lâu dài của là bảo tồn đa dạng sinh học, lưu giữ, tái tạo, phát triển nguồn gen và giống các loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế và khoa học, góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho chương trình sản xuất giống nhằm phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản. Việc bảo tồn và lưu giữ các nguồn gen được thực hiện thường xuyên và duy trì.

Nhằm bảo tồn các loài quí hiếm, đặc hữu, có tiềm năng hiện có; vung cấp các thông tin phục vụ chương trình lưu giữ và bảo vệ nguồn gen qua đó góp phần định hướng cho việc xây dựng chiến lược bảo tồn, lưu giữ nguồn gen các loài thủy sản quý, hiếm có giá trị kinh tế cao ở khu vực Nam Bộ, ThS. Nguyễn Hữu Thanh cùng các cộng sự tại Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện đề tài: “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản khu vực Nam Bộ”.

Sau một thời gian thực hiện, đề tài thu được các kết quả như sau:

- Đề tài đã khảo sát và thu thập bổ sung 4 nguồn gen thủy hải sản hiện đang được lưu giữ với số lượng cụ thể là 8 cá thể cá hổ sọc nhỏ, 10 cá thể cá sửu, 20 cá thể cá trê Phú Quốc và 16 cá thể móng tay chúa. Các loài thu thập bổ sung bước đầu thích nghi tốt với điều kiện nuôi nhốt, tỷ lệ sống sau khi thuần dưỡng đạt từ 90- 100%.

- Đã lưu giữ an toàn tổng số 8 nguồn gen các loài thủy hải sản với tổng số 382 cá thể (32 con cá mó đầu khum, 60 cá dứa, 58 móng tay chúa, 26 cá vồ cờ, 50 cá vồ đém, 50 cá hổ sọc nhỏ, 62 cá sửu và 44 cá trê Phú Quốc) lưu giữ bằng phương pháp ex-situ (lồng biển, bể xi măng, composite và ao đất), đủ số lượng theo yêu cầu của nhiệm vụ. Các hình thức lưu giữ, chế độ quản lý chăm sóc và phòng trị đang được cải tiến, hiệu chỉnh qua từng năm cho phù hợp với đặc tính sinh học của từng nguồn gen. Tỷ lệ sống đạt từ 87,5 - 100% đối với các nguồn gen vồ cờ, vồ đém, sửu, dứa, móng tay chúa, cá mó đầu khum, hổ sọc nhỏ, trê PQ.

- Đề tài đã tiếp tục thực hiện việc đánh giá giá sơ bộ 08 nguồn gen và đánh giá chi tiết 02 nguồn gen lưu giữ về vùng phân bố, đặc điểm phân bố, chỉ tiêu hình thái, phân loại và khả năng thích nghi thuần dưỡng, sinh trưởng và các đặc điểm sinh học sinh sản (kích thước thành thục, mùa vụ sinh sản...)

- Đề tài đã thu thập, bổ sung và sắp xếp lại cơ sở dữ liệu của 8 nguồn gen thủy hải sản. Đã tiến hành tư liệu hóa hồ sơ bổ sung cho 8 nguồn gen thủy sản. Các thông tin tư liệu hóa được cập nhật tại địa chỉ http://vienthuysan2.org.vn/index.php/vi/hoatdong-nckh/De-tai-nghien-cuu-va-ket-qua/Ket-qua-luu-giu-nguon-gen-thuy-san-79/. Cơ sở dữ liệu các nguồn gen được cập nhật trên website của Viện và bộ hồ sơ lưu trữ cho từng nguồn gen. Trong năm 2020 nhiệm vụ đăng bản tin lên website của Viện cũng như cập nhật các bài báo khoa học để cung cấp thông tin. Sử dụng nguồn gen cá vồ cờ (16 con) cho chương trình khai thác và phát triển nguồn gen giai đoạn 2020-2023. Nhiệm vụ cũng trao đổi thông tin với Viện NCNTTS 1 và Viện NCNTTS 3.

Nhóm đề tài kiến nghị tiếp tục cho phép thu thập bổ sung nguồn gen để mổ mẫu nghiên cứu sinh học, thay thế 01 phần các nguồn gen đã già như cá mó đầu khum, vồ đém. Bổ sung kinh phí thực hiện việc thăm dò khả năng sinh sản các nguồn gen đang lưu giữ tạo cơ sở cho việc đề xuất khai thác nguồn gen (cá hổ sọc nhỏ, cá sửu). Đưa cá chìa vôi vào danh sách lưu giữ năm 2021; đưa móng tay chúa ra khỏi danh sách lưu giữ 2021 (nguồn lợi còn nhiều, đặc biệt là ở vùng biển Cà Mau.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 20065/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.T.T (NASATI)

Tác giả bài viết: PTT