Đánh giá khí hậu Đông Nam Á hiện tại và tương lai bằng công cụ mô hình khu vực

Trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2020, nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Ngô Đức Thành tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã thực hiện đề tài: “Đánh giá khí hậu Đông Nam Á hiện tại và tương lai bằng công cụ mô hình khu vực”.

Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu mô tả chi tiết điều kiện khí hậu hiện tại và các biến đổi trong tương lai trên khu vực Đông Nam Á; tiến hành các nghiên cứu về khí hậu tương tự (climate analogue) nhằm chỉ ra được các khu vực, thành phố mà khí hậu của nó tương tự với khí hậu tương lai của một số khu vực, thành phố xác định trước trên khu vực Đông Nam Á; và chỉ ra được thời điểm khởi phát Biến đổi khí hậu (TOE - time of emergence) cho một số yếu tố khí hậu trên khu vực Việt Nam và Đông Nam Á.

Các kết quả nghiên cứu đã đưa ra được bức tranh toàn cảnh về điều kiện khí hậu và sự biến đổi trong tương lai trên khu vực Đông Nam Á, cho yếu tố như nhiệt độ, mưa, gió, ngày bùng phát mùa mưa và các giá trị cực đoan. Đặc biệt là nhóm nghiên cứu của đề tài đã tham giá đóng góp mô phỏng chi tiết hóa khí hậu khu vực vào mạng lưới nghiên cứu chung CORDEX (Coordinate Regional Climate Downscaling Experiment)- Đông Nam Á, cũng như thực hiện các phân tích đánh giá hợp tác trong khu vực. Chính vì thực hiện các nghiên cứu trên các tập số liệu mới, hiện đại và tin cậy, có sự chia sẻ của các quốc gia trong khu vực nên các kết quả nghiên cứu mang tính mới, hiện đại và giá trị khoa học cao.

Đề tài đã lần đầu tiên trên khu vực Đông Nam Á, tiến hành phân tích khí hậu tương tự, khí hậu mới và khí hậu có thể biến mất trong tương lai. Với khí hậu tương tự, đây là một khái niệm mới nhằm xác định các khu vực hiện tại có khí hậu tương tự với khí hậu dự tính trong tương lai của một địa phương cụ thể nào đó. Việc xác định này có vai trò quan trọng trong bài tóan ứng phó với biến đổi khí hậu cho các địa phương cụ thể. Đề tài đã đưa ra một công thức tính toán mới cho khoảng thời cách khí hậu, làm cơ sở xác định khí hậu tương tự, khí hậu mới và biến mất. Công thức mới này cho phép sử dụng các đầu vào nhiệt độ và lượng mưa theo từng tháng (so với công thức của thế giới là cho từng mùa), đồng thời cho phép tính toán trọng số đóng gió của nhiệt độ, lượng mưa, cũng như kết quả đa mô hình. Mô tả chi tiết các kết quả nghiên cứu này đã được đăng tải trên tạp chí ISI uy tín với bài bào của Nguyen-Thi, Ngo - Duc và nnk (2000). Ngoài ra các công bố liên quan gồm 1 bài báo trên tạp chí Quốc gia, 1 bài đăng trên kỷ yếu Hội nghị CAREES 2019.

Đề tài đã thực hiện tính toán thời điểm khởi phát biến đổi khí hậu (ToE) dựa trên các kết quả đầu ra của mô hình khí hậu khu vực. ToE được xác định khi các tín hiệu biến đổi khí hậu bắt đầu vượt qua các nhiễu động do sự bất định của các kịch bản khí hậu tương lai. Với những khu vực có địa hình phức tạp, ToE sẽ có sự thay đổi đáng kể theo không gian và thời gian, cũng như theo các yếu tố và đặc trưng khí hậu. Như vậy, cũng như khí hậu tương tự, ToE cung cấp những thông tin rất quan trọng cho các bên lien quan đưa ra các kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu cụ thể cho từng khu vực tại Việt Nam và Đông Nam Á trong tương lai. Đề tài đã thành công trong việc nghiên cứu các đặc điểm của ToE trên khu vực, sản phẩm là một bài báo quốc tế ISI uy tín đã được đăng (Nguyen-Thuy, Ngo-Duc và nnk, 2020).

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18803/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI)