Đánh giá tốc độ tăng trưởng, khả năng kháng bệnh hoại tử gan tụy cấp tính AHPND và chống chịu với nhiệt độ cao của tôm bạc thẻ Penaeus merguiensis và tôm he Ấn Độ Penaeus indicus

Nghề nuôi tôm của Việt Nam đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Tôm bạc thẻ Penaeus merguiensis và tôm thẻ Ấn Độ Penaeus indicus đều có phân bố tự nhiên ở Việt Nam. Chúng sinh sản dễ dàng trong điều kiện nuôi nhân tạo và đã được nuôi, chọn giống thành công ở Australia và Indonesia Một số quan sát gần đây cho thấy P. indicus có khả năng chịu nhiệt độ cao đến 38oC, độ mặn 45 ppt và chưa bị bệnh dịch, năng suất có thể đạt 8 - 10 tấn/ha/vụ.

Tôm he Ấn độ Penaeus indicus thường được nuôi ở hình thức quảng canh, trong các đầm nước lợ ven biển. Kết quả nuôi tại Các Tiểu vương quốc Ả rập, Việt Nam, Iran, Cộng hòa Mozambique, Nam Phi và Ấn độ cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế tốt. Quan trọng hơn, P. indicus có khả năng kháng một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm như Whitetailed Nodavirus (MrNV), siêu vi khuẩn (XSV), virus gây bệnh đốm trắng hoặc có tần suất nhiễm bệnh đầu vàng thấp hơn tôm thẻ chân trắng P. vannamei hay tôm sú P. monodon trong điều kiện tự nhiên. Các quan sát ban đầu ở Việt Nam và Các tiểu vương quốc Ả rập cho thấy P. indicus chưa bị tác động bởi bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) hay còn gọi là hội chứng chết sớm EMS. AHPND đang được coi là một trong các loại bệnh nguy hiểm nhất đối với ngành nuôi tôm của thế giới hiện nay. Ở Việt Nam tôm he Ấn Độ thường được gọi là tôm thẻ đỏ đuôi. Tôm được nuôi chủ yếu theo hình thức quảng canh hoặc quảng canh cải tiến ở Kiên Giang và Cà Mau bằng nguồn tôm giống sản xuất tại địa phương. Tốc độ tăng trưởng của tôm ở mức trung bình. Với thời gian nuôi từ 3 - 4 tháng, ở mật độ từ 5 - 10 con/m2, tôm có thể đạt cỡ 15 - 17 g.

AHPND xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc năm 2009, rồi sau đó ở Việt Nam năm 2010, Thái Lan và Malaysia năm 2011, Mexico và các quốc gia vùng Nam Mỹ trong giai đoạn 2013 - 2015. Các đối tượng bị ảnh hưởng của AHPND bao gồm tôm sú Penaeus monodon, tôm thẻ chân trắng P. vannamei) và tôm nương P. chinensis. Bệnh thường xảy ra trong 20 ngày đầu của vụ nuôi và có thể gây chết đến 100% ở những ao bị nhiễm nặng. Tôm bị bệnh có đường tiêu hóa rỗng hoặc không đầy thức ăn, tuyến gan tụy bị sưng hoặc teo và có màu sắc bất thường, vỏ mềm, màu sắc nhợt nhạt. Theo ước tính của Global Aquaculture Alliance (2013) thiệt hại do AHPND và các bệnh khác gây ra ở Châu Á tương đương với khoảng 1 tỉ USD mỗi năm. Tác nhân gây AHPND đã được xác định là một chủng Vibrio parahaemolyticus đặc biệt, có mang pVA1 plasmid chứa gene sản sinh ra 2 loại protein PirAvp và PirBv, là độc tố phá hủy tuyến gan tụy của tôm bị bệnh. Theo một số nghiên cứu trước đây thì P. indicus có thể kháng được Macrobrachium rosenbergii nodavirus (MrNV) gây bệnh trắng đuôi - white tail disease và bệnh đốm trắng - white spot disease. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào đề cập đến khả năng kháng AHPND của P. indicus. Các quan sát ban đầu ở Việt Nam và các Tiểu Vương Quốc Ả Rập cho thấy P. indicus chưa có hiện tượng bị nhiễm AHPND.

Để có thể đánh giá khả năng kháng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh EMS của P. indicus, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh do PGS. TS. Hoàng Tùng đứng đầu đã đề xuất thực hiện đề tài: Đánh giá tốc độ tăng trưởng, khả năng kháng bệnh hoại tử gan tụy cấp tính AHPND và chống chịu với nhiệt độ cao của tôm bạc thẻ Penaeus merguiensis và tôm he Ấn Độ Penaeus indicus. Nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề ban đầu cho các bước tiếp theo có liên quan đến công tác đa dạng hóa đối tượng nuôi hoặc triển khai chương trình chọn giống theo hướng kháng bệnh nhằm cải thiện tính bền vững của nghề nuôi tôm.

Phương pháp nghiên cứu của đề tài bao gồm:

1) Tạo thế hệ F1 làm vật liệu nghiên cứu cho đề tài: Tôm bố mẹ được thu thập từ Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau và Kiên Giang. Tôm bố mẹ sau đó được chuyển về trại sản xuất giống tại Cà Mau và tuyển chọn lại để tiến hành cắt mắt và cho đẻ. Hậu ấu trùng tôm (postlarvae) sau đó được chuyển về Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM làm vật liệu nghiên cứu.

2) Đánh giá tốc độ tăng trưởng của Penaeus indicus và Penaeus merguiensis ở 2 độ mặn 30 và 10 ppt: các thí nghiệm này được thực hiện trên các đối tượng nghiên cứu của đề tài và loài đối chứng là tôm thẻ chân trắng Penaeus vannamei. Thí nghiệm sử dụng postlarvae 15 ngày tuổi (PL15) được ương nuôi tiếp đến cỡ 30 mm chiều dài. Thời gian thí nghiệm là 6 tuần với mật độ tương đương 60 - 80 con/m2. Thí nghiệm được thiết kế dạng factorial với hai yếu tố là độ mặn (15 ppt và 30 ppt, đại diện cho môi trường nuôi vùng Nam Bộ và Trung Bộ) và chế độ cho ăn (ban ngày và ban ngày kết hợp với ban đêm) để tăng cường khả năng ứng dụng. Mỗi nghiệm thức được lặp lại 4 lần, sử dụng 4 bể nuôi riêng biệt có thể tích 250 lít/bể. Thức ăn sử dụng cho thử nghiệm là Mega (38 - 40% protein) của Nutreco International Vietnam. Tôm được cho ăn bằng máy tự động theo chế độ cụ thể với khẩu phần ăn tương đương 2 - 5% sinh khối tôm nuôi. Toàn bộ việc chăm sóc, quản lý chất lượng nước được thực hiện theo qui trình nuôi thương phẩm hiện hành. Các thông số chất lượng nước quan trọng như nhiệt độ, độ mặn, độ pH sẽ được quan trắc hàng ngày; hàm lượng NH3, NO2 - và độ kiềm (mg CaCO3/L) được quan trắc 3-4 ngày/lần trong suốt quá trình nuôi. Định kỳ 3 tuần thu mẫu tôm từ các bể nuôi, đo đạc khối lượng thân và chiều dài thân để theo dõi và tính toán tốc độ tăng trưởng (đặc hiệu SGR, tăng trưởng trung bình/ngày về khối lượng và chiều dài thân). Tỉ lệ sống (%) và tổng sinh khối được xác định vào ngày kết thúc thí nghiệm.

3) Đánh giá khả năng kháng bệnh hoại tử gan tụy cấp tính AHPND của Penaeus indicus và Penaeus merguiensis: thí nghiệm cảm nhiễm được thực hiện cho từng loài tôm, mỗi loài ở 3 nhóm kích thước khác nhau: 20 - 25 mm, 40 - 50 mm và 80 - 100 mm bằng phương pháp ngâm. Mẫu tôm dùng cho thí nghiệm được nuôi trong bể Trường Đại học Quốc tế, đã xét nghiệm sạch bệnh AHPND và những bệnh thông thường khác. Tôm đối chứng là Penaeus vannamei, sạch bệnh AHPND có cùng kích thước. Mỗi thí nghiệm có 4 nghiệm thức (2 loài tôm × chế độ cảm nhiễm có hoặc không). Mỗi nghiệm thức được lặp lại 6 lần. Tác nhân gây bệnh AHPND Vibrio parahaemolyticus do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II cung cấp. Mật độ cảm nhiễm là 3×106 cfu/mL. Thời gian cảm nhiễm là 30 phút, sau đó pha loãng mật độ 50% và tiếp tục theo dõi thêm 144 giờ. Tỉ lệ chết tích lũy được theo dõi liên tục và sử dụng để so sánh giữa các nghiệm thức. Mẫu tôm chết và sống được thu thập và xét nghiệm bằng phương pháp PCR, kiểm thêm bằng phương pháp mô học để khẳng định tôm bị chết vì tác nhân gây bệnh AHPND.

4) Đánh giá khả năng chống chịu nhiệt độ cao của Penaeus indicus và Penaeus merguiensis: khả năng chống chịu nhiệt độ cao của P. indicus và P. merguiensis được đánh giá bằng thí nghiệm nâng nhiệt trên 3 cỡ tôm khác nhau. Thí nghiệm được thiết kế với 5 mức nhiệt độ: 27, 32, 35, 38 và 41oC. Mỗi nghiệm thức được lặp lại 4 lần. Nhiệt độ nước được nâng từ nhiệt độ phòng (27oC) lên nhiệt độ sau cùng với tốc độ 3oC/ngày và duy trì tiếp 96 giờ. Các yếu tố quan trọng như hàm lượng oxy hòa tan, độ pH và độ kiềm được duy trì trong khoảng phù hợp với tôm và đồng nhất giữa các đơn vị thí nghiệm. Cho ăn ngày 2 lần vào lúc 9:00 và 16:00 với khẩu phần ăn 3 - 5% sinh khối của tôm. Vệ sinh bể, thay 10% nước, đếm số tôm chết mỗi ngày. Tỉ lệ chết tích lũy (%), mức độ sử dụng thức ăn và tốc độ tăng trưởng được sử dụng để so sánh bằng kiểm định one-way ANOVA ở mức ý nghĩa 0,05.

5) Đánh giá khả năng thành thục và sinh sản của Penaeus indicus thế hệ F1 trong điều kiện nuôi: theo dự kiến đề tài sẽ chọn 2.000 cá thể tôm trưởng thành, đánh dấu VIE và nuôi chung với mật độ 10 con/m2 đến cỡ thành thục và phối hợp với công ty sản xuất tôm giống để sơ bộ đánh giá khả năng sinh sản của tôm trong điều kiện gia hóa. Tuy nhiên trong thực tế việc nuôi tôm đến cỡ thành thục tại phòng thí nghiệm của Trường Đại học Quốc tế không thực hiện được do cơ sở vật chất và nguồn cung nước biển không cho phép. Đề tài đã hợp tác với người dân tại Xuyên Mộc và Cần Giờ để nuôi 4 đợt tôm nhưng đều không thành công.

Sau một thời gian triên khai thực hiện (từ 8/2016 đến 2/2020) tại Trường Đại học Quốc tế, các kết quả đạt được như sau:

- Đã đánh giá tốc độ tăng trưởng ở mật độ nuôi công nghiệp, khả năng kháng AHPND, khả năng chống chịu nhiệt độ cao, khả năng thành thục và sinh sản trong điều kiện gia hóa của tôm thẻ Ấn Độ Penaeus indicus

- Đã đánh giá tốc độ tăng trưởng ở mật độ nuôi công nghiệp, khả năng kháng AHPND, khả năng chống chịu nhiệt độ cao của tôm bạc thẻ Penaeus merguiensis.

Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy P. indicus là đối tượng có nhiều tiềm năng để phát triển. Các thông tin mới thu thập được của đề tài sẽ góp phần phát triển chương trình chọn giống theo hướng kháng bệnh, chống chọi tốt với điều kiện môi trường bất lợi hoặc nhanh lớn, tiến đến chủ động về nguồn tôm bố mẹ, phát triển bền vững nghề nuôi tôm của Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tiềm năng lớn của đối tượng tôm he Ấn Độ Penaeus indicus về khả năng kháng bệnh AHPND và chống chịu với điều kiện nhiệt độ cao. Nhóm nghiên cứu kiến nghị Tổng cục Thủy sản và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ sử dụng các kết quả này để triển khai nghiên cứu về di truyền chọn giống, lai tạo và phát triển công nghệ nuôi tôm he Ấn Độ.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18084/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.T.T (NASATI)