Kỹ thuật thiết kế vi mạch số công suất thấp, công nghệ và ứng dụng

Hiện nay, công suất tiêu thụ trên mạch điện là tiêu chí rất quan trọng trong các hầu hết các thiết bị điện tử như điện thoại đi động, laptop, tivi v.v... đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các chip vi xử lý, các chip đa lõi, các hệ thống Internet-of-Things yêu cầu công suất tiêu thụ rất thấp nhằm đảm bảo thời gian hoạt động và hiệu suất của thiết bị. Việc tối ưu hóa công suất tiêu thụ đòi hỏi phải có những kỹ thuật, quy trình, công nghệ và phương pháp thực hiện để đảm bảo vi mạch được tối ưu hóa về công suất và hiệu suất hoạt động.

Vì vậy, nhóm thực hiện đề tài Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh do TS. Lê Đức Hùng làm chủ nhiệm đã đề xuất tiểu dự án nghiên cứu: “Kỹ thuật thiết kế vi mạch công suất thấp, công nghệ và ứng dụng” nhằm góp phần giảm công suất tiêu thụ trên chip, tăng hiệu quả công suất của các vi mạch tự thiết kế; nắm bắt, làm chủ, và tự xây dựng quy trình và kỹ thuật thiết kế vi mạch số công suất thấp.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, tiểu dự án đã thu được các kết quả như sau:

- Tự xây dựng quy trình thiết kế vi mạch số công suất thấp “Made in Vietnam”. Các phương pháp thiết kế công suất thấp sẽ được thực hiện bằng chạy script tự động cùng với công cụ thiết kế để tăng hiệu quả, tính tiện lợi, và tính dễ sử dụng.

- Tạo mạng lưới kết nối chuyên gia giỏi trong nước và chuyên gia giỏi ở nước ngoài trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.

- Có thể áp dụng cho các đơn vị thiết kế vi mạch trong nước – một trong những mũi nhọn đang được nhà nước ưu tiên phát triển.

- Thúc đẩy nghiên cứu đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, ứng dụng quy trình thiết kế vi mạch số công suất thấp trong việc thiết kế ra các con chip trong nước có khả năng tiêu thụ công suất thấp dùng các kỹ thuật thiết kế công suất thấp làm tăng hiệu quả sử dụng…

Như vậy, thông qua việc tiếp nhận tri thức, công nghệ từ chuyên gia giỏi người nước ngoài, nhóm thực hiện tiểu dự án nâng cao năng lực thiết kế vi mạch công suất thấp. Các nội dung và sản phẩm của tiểu dự án giúp Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-TP.HCM nói chung và nhóm nghiên cứu nói riêng hoàn thiện và làm chủ thiết kế vi mạch số và thiết kế vi mạch số công suất thấp, từ đó góp phần đổi mới hoàn toàn các nghiên cứu và thiết kế từ phương pháp thiết kế vi mạch thông thường sang các phương pháp, kỹ thuật thiết kế vi mạch số có công suất tiêu thụ thấp cũng như sự phát triển của ngành vi mạch Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.

Lĩnh vực vi mạch số công suất thấp được kỳ vọng đóng góp các sản phẩm vi mạch có khả năng tiêu thụ công suất thấp góp phần tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu suất hoạt động. Trong xu hướng cách mạng công nghệ 4.0, vi mạch công suất thấp góp phần tạo ra các sản phẩm có giá trị khoa học công nghệ và hàm lượng giá trị gia tăng cao đối với nền kinh tế, xã hội.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17782/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.T.T (NASATI)