Nghiên cứu phát triển nguồn gen Bạch đàn H1 và TTKT7 phục vụ trồng rừng cây nguyên liệu giấy

Bạch đàn urô (Eucalyptus urophylla) và giống của nó được xác định trong Danh mục giống cây trồng lâm nghiệp chính ở nước ta. Việc phát triển loài cây này có năng suất, chất lượng cao vào trồng rừng không những đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất bột giấy mà còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn miền núi.

Hai dòng Bạch đàn H1 và TTKT7 là 2 dòng rất có triển vọng với sinh trưởng và chất lượng gỗ tốt, được phát hiện và chọn lọc từ Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Bộ Công Thương do Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy thực hiện từ năm 2008 có tên: “Chọn và dẫn giống một số dòng Bạch đàn và Keo tai tượng có triển vọng ở vùng Trung tâm Bắc bộ để thiết lập vườn lưu giữ giống”. Sau khi đề tài trên kết thúc, 2 nguồn gen quý này đã được nhiệm vụ “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây nguyên liệu giấy” thu thập số liệu, đánh giá sinh trưởng và dẫn giống về để bảo tồn nguồn gen. Trong 2 thí nghiệm khảo nghiệm dòng vô tính Bạch đàn ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc và Phù Ninh, Phú Thọ, cả 2 dòng Bạch đàn H1 và TTKT7 đều cho thấy khả năng sinh trưởng vượt trội so với các dòng khác, đặc biệt chúng vượt dòng đối chứng là PN14 và U6 tới 25 - 30% về thể tích. Vì vậy, các nguồn gen này cần được tăng cường khai thác, sử dụng nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, đồng thời góp phần đa dạng hóa nguồn giống trong công tác trồng rừng sản xuất nói chung và trồng rừng nguyên liệu giấy nói riêng.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế nêu trên, nhóm đề tài do ThS. Hà Ngọc An, Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy, Tổng Công ty giấy Việt Nam đứng đầu đã thực hiện nhiệm vụ: “Nghiên cứu phát triển nguồn gen Bạch đàn H1 và TTKT7 phục vụ trồng rừng cây nguyên liệu giấy” nhằm xây dựng nguồn vật liệu di truyền (vườn cây đầu dòng); nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (nuôi cấy mô, giâm hom, trồng rừng thâm canh) để phát triển nguồn vật liệu di truyền và nhân rộng nguồn gen; đồng thời, thử nghiệm nhân giống và xây dựng rừng trồng mô hình, kết quả của nhiệm vụ sẽ là cơ sở tin cậy cho việc đề xuất và áp dụng những nguồn gen quý vào thực tiễn sản xuất.

Sau 12 tháng triển khai (từ tháng 01-12/2018), nhiệm vụ đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu, đáp ứng mục tiêu đặt ra, cụ thể:

- Thiết lập được vườn cây đầu dòng có diện tích 500 m2 cho 2 dòng Bạch đàn H1 và TTKT7 đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật. Nguồn giống mới này sẽ bảo đảm cho việc cung cấp vật liệu giống để thực hiện các nội dung nghiên cứu, công việc tiếp theo của nhiệm vụ trong những năm tới.

- Thực hiện 03 nội dung nghiên cứu theo kế hoạch, tạo cơ sở hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi cấy mô và giâm hom 2 dòng Bạch đàn H1 và TTKT7 khi kết thúc nhiệm vụ, bao gồm:

+ Kết quả xác định ảnh hưởng của chất khử trùng và thời gian khử trùng đến hiệu quả quá trình đưa mẫu vào in vitro: Sử dụng HgCl2 0,1%, khử trùng trong 8 phút thích hợp nhất với dòng Bạch đàn H1, tỷ lệ mẫu sống đạt 26,7%; sử dụng HgCl2 0,1%, khử trùng trong 12 phút thích hợp nhất với dòng Bạch đàn TTKT7, tỷ lệ mẫu sống đạt 22,2%.

+ Kết quả xác định môi trường tái sinh và tạo nguồn vật liệu ban đầu cho giai đoạn tạo chồi trong nuôi cấy mô: Môi trường MS là môi trường tái sinh chồi thích hợp nhất đối với cả hai dòng bạch đàn, cho hệ số nhân chồi và tỷ lệ chồi hữu hiệu lần lượt là 2,4 lần và 22,6% đối với Bạch đàn H1, 2,2 lần và 21,2% đối với Bạch đàn TTKT7. Những công thức cho hệ số nhân chồi cao thì cũng cho tỷ lệ chồi hữu hiệu cao và ngược lại.

+ Kết quả xác định ảnh hưởng của loại và nồng độ chất kích thích ra rễ đến hiệu quả quá trình giâm hom: Sử dụng ABT với nồng độ 0,1% hoặc IBA với nồng độ 0,4% đem lại hiệu quả giâm hom cao nhất đối với Bạch đàn H1, tỷ lệ hom ra rễ đạt lần lượt ở mức 73,3% và 60,0%. Trong khi đó, hiệu quả giâm hom tốt nhất đối với Bạch đàn TTKT7 được xác định khi sử dụng ABT với nồng độ 0,2% hoặc IBA với nồng độ 0,1%, tỷ lệ hom ra rễ lần lượt là 94,4% và 83,3%.

Nhiệm vụ thực hiện trong năm đầu tiên, những kết quả và các sản phẩm mới chỉ dừng lại ở mức thiết lập nền tảng và tạo cơ sở. Vì vậy, rất mong được tạo điều kiện cho nhóm đề tài tiếp tục thực hiện các nội dung còn lại theo kế hoạch của cả giai đoạn 2018 - 2020 để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15768/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)