Nghiên cứu chính sách thu hút lao động dân tộc thiểu số vào làm việc trong các doanh nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững
- Thứ hai - 25/09/2023 11:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vùng dân tộc thiểu số (DTTS) là vùng chậm phát triển nhất, khoảng cách chênh lệch về mọi mặt khá lớn so với sự phát triển chung của cả nước, đặt ra yêu cầu Nhà nước cần phải nhanh chóng có giải pháp về cơ chế, chính sách để giải quyết tình trạng này, trong đó tạo cơ hội về việc làm nhất là đối với lao động DTTS, chuyển đổi sinh kế tăng thu nhập là một trong những ưu tiên cần hàng đầu. Hai vùng có số lượng và tỷ lệ người và lao động DTTS cao nhất cả nước là Trung du và Miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm trên 70%. Thực tế cho thấy, lao động ở vùng DTTS hiện nay chủ yếu tham gia vào nghề nông và các nghề đơn giản, lực lượng này tại vùng Miền núi phía Bắc chiếm đến 78,44%, và chỉ có 6,26% tham gia vào các ngành nghề có chuyên môn kỹ thuật cao và trung bình; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung tương ứng là 64,81% và 7,31%; Tây Nguyên là 76,33% và 5,93%. Ngoài vấn đề nêu trên, tình trạng dư thừa lao động, thiếu việc làm cũng đang diễn ra khá gay gắt ở vùng DTTS. Nguyên nhân là do chất lượng lao động DTTS còn thấp, khoảng 75% dân số vùng DTTS và miền núi (tương đương 50 triệu người trong đó 44 triệu người thuộc diện không có kỹ năng) đang ở độ tuổi lao động và nếu như Việt Nam không chuẩn bị một chính sách đúng đắn để thu hút, tạo việc làm cho lao động DTTS, nhất là đối với các DTTS đặc biệt ít người thì khả năng các dân tộc đó càng ngày càng bị gạt ra khỏi quá trình phát triển kinh tế chung của quốc gia là rất lớn, gây khó khăn cho quá trình giảm nghèo bền vững. Vì vậy, trong quá trình toàn cầu hóa như hiện nay, lực lượng lao động muốn đáp ứng yêu cầu thì phải có tay nghề, linh hoạt, năng động và luôn luôn thích ứng với biến đổi của thị trường lao động toàn cầu.
Hiện nay, đã có nhiều chính sách giảm nghèo bền vững tại vùng DTTS, nhưng chuyển biến còn khá chậm, khả năng tái nghèo tương đối cao. Theo số liệu thống kê, công tác xóa đói, giảm nghèo hàng năm đều đạt mục tiêu đề ra; tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm bình quân từ 2 đến 2,36%/năm. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 14,2%, năm 2011 giảm còn 11,76%; năm 2012 giảm còn 9,6%; năm 2013 giảm còn 7,8%; năm 2014 giảm còn 5,97%. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ nghèo cả nước bình quân khoảng dưới 4% (giảm 1,3% so với cuối năm 2018). Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2018. Tuy nhiên, tình trạng giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao (bằng 17,82% tổng số hộ thoát nghèo) chủ yếu do thiên tai, tách hộ. Chênh lệch giàu - nghèo, tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.Tình trạng thiếu việc làm của thanh niên DTTS đang là vấn đề bức thiết hiện nay. Theo kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của người DTTS từ 15 tuổi trở lên là 1,40%, thấp hơn 0,65 điểm phần trăm so với tỷ lệ thất nghiệp của toàn bộ dân số từ 15 tuổi trở lên (2,05%). Đa phần người DTTS Việt Nam cư trú ở khu vực nông thôn nhưng tỷ lệ thất nghiệp của khu vực thành thị lại cao hơn 1,3 lần so với khu vực nông thôn (tương ứng là 1,82% và 1,35%). Sự khác biệt về cơ hội tiếp cận thông tin về việc làm, trình độ chuyên môn kỹ thuật và khả năng lựa chọn công việc linh hoạt của người lao động có thể là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này. Có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ thất nghiệp giữa một số DTTS dưới 10.000 người. Trong khi Pu Péo và Chứt là hai dân tộc có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, lần lượt là 8,88% và 6,11%, tỷ lệ thất nghiệp của các dân tộc còn lại đều dưới 2%. Cũng bởi vậy, một bộ phân lao động người DTTS đã dời quê lên khu công nghiệp tìm kiếm việc làm hoặc đi làm thuê ở các nước có chung đường biên giới.
Mặc dù, tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn tới trên 50%, cá biệt còn tới trên 60 - 70%. Số hộ nghèo là DTTS chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ DTTS chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Do vậy, cần chính sách tạo việc làm và thu hút lao động DTTS vào làm việc tại các doanh nghiệp (DN) để họ có cơ hội tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững là rất cần thiết và cấp bách.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Đại học Thái Nguyên cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Thị Lan Anh thực hiện “Nghiên cứu chính sách thu hút lao động dân tộc thiểu số vào làm việc trong các doanh nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững” với mục tiêu: Hệ thống hóa các lý thuyết về thu hút lao động và lao động dân tộc thiểu số vào làm việc trong các doanh nghiệp; xây dựng khung lý thuyết về nghiên cứu chính sách thu hút lao động DTTS vào làm việc trong các doanh nghiệp; kinh 2 nghiệm chính sách của một số quốc gia trên thế giới và bài học áp dụng cho vùng DTTS Việt Nam; Phân tích, đánh giá hiệu quả, tác động các chính sách thu hút lao động DTTS làm việc trong các doanh nghiệp từ năm 1986 đến nay; xác định các nhân tố ảnh hưởng; chỉ rõ nhưng bất cập, hạn chế và vấn đề đặt ra cần giải quyết trong thời gian tới; Đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách thu hút lao động dân tộc thiểu số vào làm việc trong các doanh nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS đến năm 2030.
Qua nghiên cứu chính sách thu hút lao động DTTS vào làm việc trong các DN gắn với giảm nghèo bền vững, nhóm nghiên cứu thấy rằng. các chính sách đã có những tác động nhất định đối với sự thay đổi cơ cấu lao động và việc làm, nhất là lao động DTTS ở các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo tại các vùng theo hướng tích cực. Nhiều lao động DTTS đã tìm được việc làm trong các DN, có thu nhập ổn định, cải thiện được cuộc sống bản thân và gia đình họ, đã tạo được lòng tin của người lao động vùng đồng bào DTTS với Đảng và Chính phủ, nhiều lao động đã rất gắn bó với DN. Hầu hết lao động làm việc tại DN là lực lượng lao động trẻ, có năng lực, trình độ và kỹ năng ở mức trung bình, có thái độ làm việc tương đối tốt, sức khỏe tốt. Cùng với những điểm tích cực đó, lao động DTTS cũng bộc lộ những hạn chế nhất định khi làm việc tại DN như ý thức chấp hành giờ giấc làm việc kiểu công nghiệp còn hạn chế, tư tưởng còn nặng về các lễ hội truyền thống văn hóa của dân tộc, chậm hòa nhập với cộng đồng lao động trong DN. Chính sách cũng tác động làm thay đổi đời sống kinh tế và tinh thần của người lao động DTTS kể cả trực tiếp và gián tiếp. Tác động trực tiếp đối với những lao động đã làm việc tại DN làm thay đổi nhận thức của họ, nhanh nhạy hơn trong các hoạt động tạo thu nhập, gián tiếp tác động tới những lao động khác tại cộng động, tạo ra hiệu ứng lôi kéo lực lượng lao động DTTS tại địa phương tích cực hơn trong tìm kiếm việc làm cải thiện đời sống thể hiện ở chỗ, tại cộng đồng có người đi làm DN, sau một thời gian nhất định sẽ kéo theo người khác đi làm và cách này được xem như hiệu quả nhất đối với các cộng đồng DTTS.
Bên cạnh những tác động tích cực, một số chính sách đến thời điểm hiện tại đang bộc lộ một số bất cập về mục tiêu và biện pháp thực hiện: Chính sách đào tạo nghề ngắn hạn tại các địa phương, chính sách BHYT đối với người nghèo vùng DTTS và miền núi, khi họ đến làm việc tại DN, chính sách đào tạo cử tuyển… Những bất cập này đã và đang ảnh hưởng đến việc thu hút lao động DTTS vào làm việc trong các DN gắn với giảm nghèo bền vững, đối mặt với những vấn đề thực tiễn cần được giải quyết: Làm thế nào nâng cao chất lượng lao động DTTS làm việc trong DN; lao động DTTS có nguyện vọng, mong muốn làm việc cần chuẩn bị hành trang gì?; các DN đưa ra các kênh thông tin tuyển dụng ra sao?; chính sách giữ chân và đãi ngộ lao động DTTS như thế nào?,…
Căn cứ vào kết quả khảo sát thực trạng, cũng như các định hướng phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc thu hút lao động vào làm việc trong các DN tại địa bàn các tỉnh, nghiên cứu đã rà soát hệ thống các chính sách nhằm thu hút lao động vào làm việc trong các DN. Tuy nhiên, chưa có một chính sách dành riêng cho lao động DTTS, hầu như các chính sách chung cho cả vùng DTTS và miền núi trong đó có lao động DTTS.
Dựa vào các kết quả khảo sát thưc tế, các cơ quan QLNN về lao động DTTS, một số DN có sử dụng LĐ DTTS; căn cứ kết quả xử lý số liệu điều tra, đề tài đề xuất định hướng chính sách nhằm thu hút lao động DTTS vào làm việc trong các DN gắn với giảm nghèo bền vững, theo đó, để thu hút lao động DTTS vào làm việc trong các DN, cần căn cứ vào các đặc điểm của từng dân tộc, từng vùng miền khác nhau để định hướng giải quyết việc làm phù hợp. Đối với DN cũng cần linh hoạt hơn trong khi sử dụng lao động DTTS để họ phát huy được hết khả năng, đồng thời duy trì được nét văn hóa truyền thống của họ.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18757/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)