Nghiên cứu cơ hội và điều kiện để xuất khẩu giáo dục đại học và cao đẳng Việt Nam thông qua việc thu hút sinh viên quốc tế: sử dụng cách tiếp cận Bayesian
- Thứ hai - 22/07/2024 11:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Việt Nam vốn là được coi là một nước truyền thống về nhập khẩu các dịch vụ giáo dục đại học và cao đẳng, (tức là học sinh Việt Nam sẽ đi du học hoặc các trường đại học nước ngoài sẽ đến Việt Nam và cung cấp các dịch vụ giáo dục xuyên quốc gia) hơn là một nước xuất khẩu. Tuy nhiên, theo đánh giá của Pham (2018), hiện nay, vị trí địa lý của Việt Nam nằm ở vùng trung tâm của khu vực Đông Á và Đông Nam Á - một điểm đến mới của các du học sinh quốc tế. Chính vì thế, Việt Nam đang nắm trong tay cơ hội lớn để thu hút sinh viên quốc tế cũng như các lợi ích kinh tế từ họ.
Xuất phát từ thực tiễn trên, TS. Phạm Hùng Hiệp cùng nhóm nghiên cứu tại Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia thực hiện “Nghiên cứu cơ hội và điều kiện để xuất khẩu giáo dục đại học và cao đẳng Việt Nam thông qua việc thu hút sinh viên quốc tế: sử dụng cách tiếp cận Bayesian” với mục tiêu nghiên cứu này xác định các yếu tố - học thuật, quản trị, tài chính – dẫn đến thành công của các trường đại học và cao đẳng trong việc tuyển sinh sinh viên quốc tế; điều tra sức ảnh hưởng của các yếu tố được xác định ở mục tiêu thứ hai trong thành công của các trường đại học và cao đẳng trong việc tuyển sinh sinh viên quốc tế.
Trước đây, sinh viên có xu hướng chọn các quốc gia phát triển ở phương Tây làm điểm đến học tập. Trong những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2010 đến 2017, xu hướng đó đã thay đổi, điều này được phản ánh bởi sự gia tăng số lượng sinh viên quốc tế ở phần còn lại của thế giới, bao gồm các nước Đông Á và Đông Nam Á.
Nhìn chung, tỷ lệ sinh viên quốc tế của Đông và Đông Nam Á có xu hướng tăng nhẹ trong suốt giai đoạn 2010-2017, với mức tăng trung bình 0,43%/năm. Sự gia tăng tỷ lệ sinh viên quốc tế tại khu vực này một phần là do sự gia tăng thị phần của sinh viên quốc tế của một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Malaysia.
Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam xem xét hiện trạng và các giải pháp đang được sử dụng để thu hút sinh viên quốc tế đến Việt Nam. Một trong những đóng góp nổi bật của nghiên cứu này là cung cấp những bằng chứng khoa học về tiềm năng, cơ hội và lợi ích của quá trình thu hút sinh viên quốc tế đến các trường đại học. Sau đây là các phát hiện nghiên cứu chính:
Thông qua phân tích có thể thấy các nước trong khu vực đang có sự dịch chuyển trong cán cân du học, trái với truyền thống, các quốc gia bao gồm Đài Loan và Malaysia đã cho thấy hiệu quả của các chương trình thu hút sinh viên quốc tế đến theo học. Trong khi những quốc gia khác vẫn có số lượng sinh viên đi du học cao hơn so với số lượng sinh viên đến du học, thì 2 quốc gia này đã chứng kiến sự gia tăng về số lượng sinh viên quốc tế học tập tại đây và được coi là điểm đến mới bên cạnh Nhật Bản của sinh viên quốc tế tại châu Á. Thu hút sinh viên quốc tế đem đến nhiều lợi ích cho nước sở tại trên các phương diện như tạo thêm nguồn thu, cơ hội việc làm và cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường lao động. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, thu hút sinh viên quốc tế còn giúp các trường đại học có thêm danh tiếng, tăng cường giá trị văn hóa, quyền lực mềm cũng như ảnh hưởng chính trị của các quốc gia sở tại. Những lợi ích nếu ra ở trên là nguyên nhân thúc đẩy các quốc gia đầu tư và phát triển các chính sách thu hút sinh viên quốc tế đến theo học.
Các giải pháp thu hút sinh viên quốc tế có thể chia thành các nhóm chính bao gồm: học thuật, quản trị và tài chính. Các giải pháp liên quan đến học thuật bao gồm các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, giảng viên tham gia giảng dạy là người nước ngoài, giáo dục xuyên quốc gia, khóa học và chương trình trao đổi quốc tế; các yếu tố liên quan đến tài chính bao gồm chi phí và học phí cạnh tranh, học bổng cho sinh viên quốc tế, kí túc xá và phòng học riêng cho sinh viên quốc tế; cuối cùng là các yếu tố liên quan quản trị bao gồm chương trình đào tạo đạt kiểm định quốc tế, bộ phận tuyển sinh quốc tế, quy trình tuyển sinh. Các yếu tố này có tác động nhất định đến quyết định lựa chọn trường theo học của sinh viên quốc tế.
Sinh viên quốc tế tại Việt Nam có xu hướng tăng trong những năm gần đây nhưng số lượng còn ít. Trong giai đoạn 2015-2017, có 1000 sinh viên đến từ 30 nước trên thế giới tham gia học tập dài hạn và ngắn hạn tại Việt Nam. Chủ yếu sinh viên đến từ các nước trong khu vực theo học chương trình đào tạo dài hạn trong khi đó, đối với chương trình đào tạo ngắn hạn chứng kiến ưu thế của các quốc gia phát triển. Đáng lưu ý là Lào và Cambodia chiếm số lượng lớn số lượng sinh viên quốc tế tại Việt Nam.
Khảo sát đánh giá của các đơn vị đào tạo đại học Việt Nam cho thấy, các yếu tố Chương trình học quốc tế, học tập và giảng dạy bằng ngoại ngữ, chương trình đạt kiểm định quốc tế, bộ phận chuyên trách tuyển sinh quốc tế, quy trình tuyển sinh quốc tế, học bổng và phòng học riêng cho sinh viên quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút sinh viên quốc tế tại Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19985/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)