Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh

Du lịch là ngành mang lại lợi ích kinh tế rất lớn, góp phần đáng kể vào các vấn đề môi trường suy thoái và tác động xã hội tiêu cực (Tovar & Lockwood, 2008). Du lịch liên quan đến chuyến đi, sự di chuyển của khách. Vì thế, sự gia tăng các phương tiện vận tải khách đã gây ra những tác động nhất định cho môi trường (Gössling, S., 2002). Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng phụ thuộc rất lớn vào hệ thống hạ tầng, cơ sở lưu trú và các công trình liên quan. Điều này tạo ra hàng loạt tác động tới môi trường và sinh thái như phá hủy một phần tài nguyên, hệ sinh thái; ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất. Ngành du lịch cũng chủ yếu sử dụng năng lượng có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch và điều này có liên quan đến phát thải khí nhà kính (Bode et al., 2003).

Theo Scott và Weaver (2011), du lịch ứng phó với biến đổi khí hậu là rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành du lịch nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Theo G. Lipman và Mc Grath (2016), việc định hướng chiến lược phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển du lịch xanh là hợp lý và quan trọng vì du lịch là ngành đóng góp chính cho nền kinh tế toàn cầu. Ngành du lịch được ví như “đòn bẩy” thúc đẩy tăng trưởng xanh, hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh (Marsiglio, 2015). Du lịch tác động tích cực đến môi trường, lgiảm phát thải khí nhà kính (Lee và Kwag, 2013; Lee và Brahmasrene, 2013). Tuy nhiên, muốn phát triển du lịch theo hướng “xanh” cần đầu tư thích đáng, trước hết là đẩy mạnh ứng dụng “công nghệ xanh” và cung cấp cho ngành du lịch hệ thống “kết cấu hạ tầng xanh” (Lee and Kwag, 2013; Marsiglio, 2015).

Nhìn chung, có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới về tăng trưởng xanh, phát triển du lịch xanh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có 2 nghiên cứu trực tiếp nào về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh cho một quốc gia cụ thể. Tại Việt Nam, các nghiên cứu về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh hầu như chưa có, chủ yếu là các nghiên cứu về “du lịch sinh thái”, “du lịch có trách nhiệm”, “du lịch gắn với thiên nhiên”, “du lịch môi trường”, hay “du lịch xanh” và “du lịch bền vững”... Vì thế, cần thiết phải có những nghiên cứu cụ thể về “phát triển du lịch Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh”.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Viện nghiên cứu phát triển du lịch cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Anh Tuấn thực hiện Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh với mục tiêu xác lập cơ sở khoa học về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh phục vụ cho việc tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch và chương trình hành động của ngành du lịch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Tăng trưởng kinh tế bên cạnh việc tạo ra những thành tựu to lớn cho nhân loại, sự giàu có cho các quốc gia, nó cũng đồng thời tạo nên nhiều hệ lụy cho tự nhiên và môi trường. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đã có những động thái tích cực nhằm thay đổi mô hình tăng trưởng, hướng đến những mô hình tăng trưởng kinh tế hiệu quả và bền vững, điển hình là mô hình tăng trưởng xanh.

Hội nghị Bộ trưởng về môi trường và phát triển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MCED) tại Hàn Quốc (2005), Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàn Quốc (2010), Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 họp tại Hà Nội (2010) lãnh đạo các nền kinh tế đều đồng nhất quan điểm phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và khẳng định tăng trưởng xanh là con đường để phát triển bền vững.

Hưởng ứng kêu gọi của Liên Hợp Quốc về xây dựng chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Là ngành kinh tế tổng hợp, khai thác và sử dụng tài nguyên, việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong ngành du lịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thời gian qua, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng nhanh, dần khẳng định vai trò “mũi nhọn” trong nền kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng nhanh luôn kéo theo những hệ 3 lụy nhất định, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối có thể dẫn đến phát triển kém bền vững. Thực tế quá trình phát triển du lịch vừa qua đã xuất hiện nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng tới việc gìn giữ bảo vệ tài nguyên và môi trường. Vì thế, lựa chọn phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là đúng đắn, là con đường quan trọng để góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và hướng đến đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Tổng quan được tình hình nghiên cứu trên thế giới, trong nước về tăng trưởng xanh, tăng trưởng xanh trong lĩnh vực du lịch.

Hệ thống hóa cơ sở lý thuyết về tăng trưởng xanh và tăng trưởng xanh trong lĩnh vực du lịch; xây dựng được khung lý thuyết căn bản về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.

Tổng kết kinh nghiệm phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh của một số quốc gia và một số địa phương, doanh nghiệp trong nước, từ đó, đề tài rút ra được những bài học kinh nghiệm phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh cho Việt Nam.

Phân tích, đánh giá khái quát tiềm năng phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; đánh giá hiện trạng phát triển du lịch Việt Nam nói chung, đánh giá hiện trạng phát triển du lịch tại một số khu, điểm du lịch điển hình như: Hạ Long - Cát Bà, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Mũi Cà Mau dựa trên những nguyên tắc, yêu cầu và tiêu chí phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.

Xác định quan điểm, định hướng phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; đề xuất được khung tiêu chí; xác lập được mô hình khung; đồng thời, đề xuất được những giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18586/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Đ.T.V (NASATI)